Cụ thể, số liệu thống kê theo khu vực trên worldometers.info cho thấy châu Âu đang là khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 17.865.409 ca nhiễm COVID-19 tính tới thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 213.071 ca nhiễm và 5.489 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga đang là nước đứng đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19 khi con số thống kê tính tới sáng 4/12 đã lên tới 2.375.546 trường hợp.
Với 17.133.903 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào sáng nay, châu Á là khu vực đứng thứ 2 trong bảng thống kê của worldometers.info. Trong đó, Ấn Độ đang là “vùng dịch” lớn nhất khu vực, với 9.571.780 ca nhiễm COVID-19, bỏ xa Iran – hiện đang ở vị trí thứ 2, với 1.003.494 ca nhiễm. Một số nước khác gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Indonesia…đang trên đà gia nhập nhóm các nước có “triệu ca” nhiễm COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ có thêm 242.312 ca nhiễm và 3.888 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê tới thời điểm hiện tại là 16.878.697 và 419.858 trường hợp. Với số ca nhiễm mới tăng mạnh vào dịp cuối năm, Mỹ vẫn tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới do đại dịch COVID-19. Tính đến sáng 4/12, nước này ghi nhận 14.534.632 ca nhiễm và 282.828 ca tử vong vì COVID-19.
Theo số liệu thống kê của worldometers.info, số ca nhiễm COVID-19 tại Nam Mỹ hiện tại là 11.360.884 trường hợp, trong đó có 329.243 ca tử vong và 10.140.945 ca đã được điều trị khỏi. Ba nước gồm: Brazil (6.487.516 ca); Argentina (1.447.732 ca); Colombia (1.343.322 ca) đang dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19.
Tính đến sáng 4/12, châu Phi có 2.230.188 ca nhiễm và 52.937 ca tử vong vì COVID-19. Trong tổng số 285.981 ca nhiễm COVID-19 đang được điều trị thì có 2.573 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Trong 24 giờ qua, châu Đại dương ghi nhận thêm 207 ca nhiễm và 1 ca tử vong vì COVID-19 (ở French Polynesia), nâng tổng các con số thống kê được tính tới thời điểm hiện tại là 45.677 và 1.020 trường hợp.
Trước sự lây lan chưa có điểm dừng của đại dịch COVID-19, không chỉ nhiều hãng dược phẩm đang đẩy mạnh việc phát triển các loại vaccine tiềm năng, mà nhiều nước trên thế giới đã ở tâm thế sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19. Tuy nhiên, việc tiêm chủng mới chỉ nằm trong dự liệu, còn trước mắt, một mùa Giáng sinh buồn và mua sắm cuối năm ảm đạm là điều đã được nhiều người nói tới.
Theo hãng thông tấn TASS, buổi thuyết trình trực tuyến về vaccine Sputnik V của Nga, diễn ra tại Liên hợp quốc ngày 3/12 đã thu hút sự tham gia của các đại diện đến từ 55 nước trên thế giới, gồm: Triều Tiên, Ai Cập, Belarus, Algeria, Ấn Độ…Trong đó, nhiều nước đã tỏ ra quan tâm về những thông tin về loại vaccine chống COVID-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới, bao gồm giá cả và việc nhân rộng sản xuất sang các nước khác.
Phát biểu trước các đại biểu tham dự buổi thuyết trình, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp (RDIF) - quỹ nhà nước phát triển vaccine COVID-19 của Nga, ông Kirill Dmitriev cho biết, giá của vaccine Sputnik V sẽ chưa đến 10 USD/liều và đây là một chi phí cạnh tranh so với các loại vaccine khác. Về phía Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cũng lưu ý thêm rằng, việc sản xuất Sputnik có thể được mở rộng ở cả Nga và nước ngoài.
Liên quan tới kế hoạch tiêm chủng, hiện Anh đã trở thành nước châu Âu đầu tiên thông qua chương trình tiêm chủng toàn quốc để ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây cũng đồng thời cũng là chương trình tiêm chủng có quy mô lớn nhất của Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thủ tướng Johnson cho biết chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ tuần sau, đối tượng ưu tiên là những người sống trong các nhà dưỡng lão, những người trên 80 tuổi và các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng vừa thông báo nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19 từ 5/1/2021. Ông cho biết sau khi vaccine chính thức được cấp phép thì vẫn phải đợi từ chính phủ liên bang đến chính quyền địa phương phê duyệt các nội dung cuối cùng của chương trình tiêm chủng, tuy nhiên quá trình này sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Ngay khi có vaccine, nước Bỉ sẽ sẵn sàng và phải tiêm chủng càng nhanh càng tốt và cho nhiều người Bỉ nhất có thể
Pháp dự kiến sẽ triển khai kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 vào mùa xuân. Chiến dịch tiêm chủng đầu tiên sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 hoặc tháng 1, ưu tiên các nhân viên y tế và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi. Chiến dịch tiêm chủng rộng khắp hơn sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6 năm sau. Việc tiêm chủng vaccine COVID-19 không bị bắt buộc ở Pháp, nhưng nước này khuyến khích người dân nên tiêm phòng để sớm chấm dứt dịch bệnh, bằng một chiến lược thuyết phục dựa trên sự minh bạch./.