Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 101.165.531 ca mắc COVID-19, trong đó 1.565.063 ca tử vong. Hết ngày 13/1, châu Âu là khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất thế giới, với 1.215.565 ca, trong đó 3.298 ca tử vong vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Pháp là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới vì COVID-19 nhiều nhất châu lục do biến thể Omicron lây lan, với 305.322 ca, trong đó 225 ca tử vong. Xếp sau Pháp về số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày bao gồm: Itlay (184.615 ca); Tây Ban Nha (159.161 ca); Anh (109.133 ca); Đức (93.154 ca)…
Tại châu Á, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 88.745.842 ca nhiễm và 1.268.023 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 539.335 ca mắc và 715 trường hợp tử vong mới vì đại dịch.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và thứ 2 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận 36.571.423 ca mắc COVID-19, trong đó 485.043 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất châu lục với 253.496 ca. Tiếp đó là Thổ Nhĩ Kỳ (75.564 ca); Israel (59.333 ca); Philippines (34.021 ca)…
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo ghi nhận 3.124 ca mắc mới trong ngày 13/1, vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày lần đầu tiên trong hơn 4 tháng. Thủ đô Tokyo đã nâng cảnh báo lên mức cao thứ hai trong thang gồm 4 bậc. Đây là lần đầu tiên từ tháng 9/2020, cảnh báo ở cấp này được đưa ra. Chính quyền thủ đô Tokyo dự báo với đà tăng như hiện nay thì vào tuần tới, số ca mắc COVID-19 trung bình trong 7 ngày tới sẽ lên tới 9.576 ca/ngày. Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 6, do sự lây lan của biến thể Omicron.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 76.273.034 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.269.793 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Guatemala, Costa Rica, Panama…
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh tại châu lục trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 64.987.066 ca nhiễm COVID-19, trong đó 868.698 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất khu vực gồm: Mỹ (619.909 ca); Mexico (44.187 ca); Canada (10.054 ca)…
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 liên tục tăng mạnh, Nhà Trắng ngày 13/1 cho biết đã huy động thêm 1.000 bác sĩ quân y tới để trợ giúp 6 bệnh viện đang quá tải ở Mỹ do số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao. Các nhóm từ 7-25 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế sẽ bắt đầu đến các bang Michigan, New Jersey, New Mexico, New York, Ohio và Rhode Island vào tuần tới để hỗ trợ các phòng cấp cứu và cho phép nhân viên của bệnh viện tiếp tục điều trị các bệnh nhân khác.
Cũng trong ngày 13/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo chính quyền nước này mua thêm 500 triệu kít xét nghiệm COVID-19 để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm đang gia tăng trên khắp nước Mỹ trong bối cảnh sự lan rộng của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Đơn đặt hàng này bổ sung vào số 500 triệu kít xét nghiệm khác mà Nhà Trắng cam kết có sẵn để người Mỹ sử dụng vào tháng 1 năm nay.
Theo kế hoạch, số kít xét nghiệm này dự kiến sẽ bắt đầu được phân phối miễn phí cho những người dân Mỹ có nhu cầu vào cuối tháng này. Sự thiếu hụt các kit xét nghiệm trên khắp nước Mỹ đã cản trở khả năng ứng phó với dịch bệnh trong những tuần gần đây khi biến thể Omicron đang lây lan mạnh.
Tại Nam Mỹ, khu vực này hiện đã có 42.225.090 ca, trong đó 1.196.640 ca tử vong vì đại dịch. Các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 22.814.917 ca nhiễm, trong đó 620.545 ca tử vong vì COVID-19. Xếp sau Brazil về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh gồm Argentina, Colombia, Peru, Chile…
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 10.381.733 ca nhiễm, trong đó 233.410 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.546.808 ca nhiễm COVID-19, trong đó 92.989 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Libya, Ethiopia, Ai Cập...
Châu Đại dương ghi nhận có 1.569.201 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.815 ca tử vong vì dịch bệnh. Australia, Fiji và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 24 giờ qua, khu vực có 5 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm mới COVID-19, bao gồm Australia (150.702 ca); New Zealand (39 ca); Papua New Guinea (3 ca); New Celadonia (43 ca) và Palau (1 ca).
Liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, báo cáo của Nhóm Tư vấn Kỹ thuật về các thành phần của vaccine phòng COVID-19 thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (TAG-CO-VAC), các vaccine phòng COVID-19 hiện nay cần được bổ sung thành phần để bảo đảm hiệu quả phòng ngừa biến chủng Omicron và các biến chủng trong tương lai. Trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan nhanh chóng, TAG-CO-VAC ủng hộ việc người dân trên toàn thế giới được tiếp cận khẩn cấp và rộng rãi đối với các loại vaccine phòng COVID-19 hiện tại, nhằm bảo vệ, phòng ngừa và giảm tác hại của các biến chủng COVID-19.
TAG-CO-VAC cho rằng cần tiếp tục phát triển các vaccine phòng COVID-19 có tác dụng ngăn chặn tiến trình nhiễm và lây lan COVID-19, ngăn chặn tình trạng bệnh nhân nhiễm COVID-19 chuyển biến nặng và tử vong. Một khi SARS-CoV-2 tiến hóa, thành phần của các vaccine phòng COVID-19 cần được bổ sung để đảm bảo rằng vaccine tiếp tục cung cấp khả năng bảo vệ mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nhằm phòng chống lây nhiễm các biến chủng của virus SARS-CoV2, bao gồm Omicron và các biến chủng trong tương lai./.