Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 31.420.331 ca nhiễm COVID-19, trong đó 568.777 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (103.793 ca); Pháp (60.992 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (41.998 ca); Mỹ (36.983 ca); Brazil (31.359 ca); Ba Lan (22.947 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (1.233 ca); Ấn Độ (477 ca); Nga (357 ca); Italy (326 ca); Mỹ (270 ca); Ukraine (258 ca)…
Trong bài phát biểu nhân ngày Lễ Phục Sinh 4/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ Nhất phu nhân Jill Biden đã chia sẻ những lời chúc tốt đẹp, đồng thời khuyến khích người dân Mỹ tiêm phòng vaccine COVID-19 như một nghĩa vụ đạo đức. Thông điệp được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong bối cảnh giới chức y tế nước này đang chạy đua với thời gian nhằm thúc đẩy tốc độ tiêm chủng vaccine do lo ngại về khả năng xảy ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 4.
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 40.438.694 người, với 926.213 ca tử vong. Hết ngày 4/4, châu lục này ghi nhận đã có thêm 179.457 ca nhiễm mới và 2.273 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 4.822.470 ca mắc COVID-19 và 96.678 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 60.922 ca nhiễm mới và 185 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Giữa lúc phần lớn các nước châu Âu bước vào các đợt phong tỏa mới nhằm kiểm soát số ca mắc COVID-19 gia tăng thì tại Anh, tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng khả quan. Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ đặt ra kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế và khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế vào ngày 5/4 (theo giờ địa phương), khi ông cập nhật lộ trình ứng phó đại dịch COVID-19 của nước này. Theo đó, dự kiến ông Boris Johnson sẽ ký lệnh cho phép các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu, dịch vụ nghỉ dưỡng có hoạt động ngoài trời và tiệm làm tóc có thể mở cửa trở lại vào ngày 12/4 tới đây. Hiện Anh ghi nhận có 4.359.388 ca mắc và 126.836 ca tử vong vì dịch bệnh. Thủ tướng Boris Johnson sẽ đưa ra bản cập nhật kế hoạch nhằm giảm bớt các hạn chế chống dịch trong những tháng tới. Đây được coi là một bước tiến lớn đối với một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19.
Châu Á đã có tổng cộng 29.335.083 ca nhiễm và 434.415 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 225.210 ca mắc và 1.719 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 26.639.265 ca được điều trị khỏi; 2.261.403 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 26.300 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 4/4, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 103.793 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ tháng 9/2020 và 477 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 12.587.920 ca và 165.132 ca. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có gần 3,5 triệu ca nhiễm; Iran có hơn 1,9 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm COVID-19.
Tại Hàn Quốc, nước đang đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 sau khi số ca nhiễm mới hàng ngày vượt ngưỡng 500 ca/ngày thứ 5 liên tiếp. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 105.752 ca nhiễm và 1.748 ca tử vong vì COVID-19.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 19.281 ca mắc mới và 431 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.980.426 người mắc COVID-19, trong đó 59.770 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khối này có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế Indonesia ngày 4/4 cho biết, nước này ghi nhận thêm 427 ca tử vong vì COVID-19, số ca tử vong cao kỷ lục trong ngày kể từ đầu dịch bệnh đến nay.
Cùng ngày, tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á cũng đã lên tới 13.425 ca. Tình hình dịch bệnh tại Philippines vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều gấp đôi Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á. Tương tự, tại Malaysia tình hình dịch bệnh tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở quốc gia này. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận có 350.959 ca mắc và 1.288 ca tử vong vì dịch bệnh.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 43.764 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 36.181.856 ca, tổng số người tử vong là 824.557 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 27.894.524 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.249.195 ca nhiễm và 204.011 ca tử vong.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Mỹ với những làn sóng dịch mới khiến số ca nhiễm theo ngày liên tục được ghi nhận những con số kỷ lục mới bất chấp những biện pháp đối phó tăng cường của nhiều nước. Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 21.577.577 ca nhiễm; 565.039 ca tử vong và 19.230.156 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 12.984.956 ca nhiễm, trong đó 331.530 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, Papua New Guinea và New Zealand là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 3 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.344 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19. Papua New Guinea và New Zealand lần lượt ghi nhận thêm 438 và 6 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.305.201 ca mắc COVID-19, trong đó 114.131 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.551.964 trường hợp, trong đó 52.987 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 463 ca mắc mới COVID-19 và 33 ca tử vong vì đại dịch./.