Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thầy giáo "túm đuôi trâu" đi mở lớp

PV - 17:41, 19/01/2021

Điểm trường Sín Chải A, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, Lai Châu là những căn nhà gỗ tuềnh toàng, nằm chênh vênh trên triền đồi hút gió lạnh buốt ngày đông. Đó cũng là nơi thầy Lường Văn Hợp đang gắn bó.

Ngày qua ngày, thầy "chắn gió, che mưa, gieo chữ" cho những đứa trẻ nghèo.
Ngày qua ngày, thầy "chắn gió, che mưa, gieo chữ" cho những đứa trẻ nghèo.

Dấu chân trải khắp Mường Tè

Lớp học tại bản Sín Chải A, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 8 đứa trẻ quây quần nghe thầy giáo giảng bài. Căn phòng học gỗ được xây dựng từ năm 1999 nay đã xuống cấp. Những thanh gỗ cũ mèm, sàn nhà lớp đất đồi gập ghềnh lạnh buốt chân. Thỉnh thoảng gió rít từng cơn xen lẫn bài giảng của thầy Lường Văn Hợp (SN 1979).

Giữa giờ nghỉ giải lao, thầy Hợp tranh thủ đón tiếp chúng tôi ngay tại lớp học và dành ít phút tâm sự. Thầy cho biết, mình không bao giờ quên ngày đầu tiên cầm tờ quyết định bước vào nghề giáo, ngày 1/9/2000. Bắt đầu từ ngày ấy, cả thanh xuân của thầy Lường là những dấu chân trải khắp các bản làng của Mường Tè.

Thầy Hợp vẫn nhớ mãi về những ngày đầu đến từng bản làng, từng con đường đất miền sơn cước. Thời điểm đầu tiên đến với ngành Giáo dục Mường Tè là những ngày bắt đầu bằng con số không. Mường Tè ngày đó xa xôi lắm. Nhiều nơi không điện, không đường, không trường, không trạm. Để tìm lối lên bản, thầy Hợp chỉ biết bám vào đuôi trâu của người dân địa phương để đi tìm bản, mở lớp.

Những năm đầu nghề giáo là tháng ngày tìm đường đến bản, gom học sinh, dựng lớp ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè. Để đến với Tà Tổng, những giáo viên vùng cao ngày ấy phải đi bộ, leo đèo cả tuần mới vào được trường, rồi đi vận động học trò ra lớp. Mấy mươi năm trôi qua, đến tận bây giờ khi ngồi suy nghĩ lại, chính thầy cũng chẳng biết tại sao mình lại có thể vượt qua được.

Tự nhận là giáo viên cắm bản "chuyên nghiệp"

Thầy Hợp tự nhận mình là giáo viên cắm bản "chuyên nghiệp". Nói vậy bởi không chỉ "thâm niên" bám bản, mà còn là bởi cuộc sống của thầy đã quá quen với những điểm trường cheo leo, hẻo lánh nơi miền biên viễn. Đó là hình ảnh của những căn nhà gỗ ghép tạm bợ, ọp ẹp, mưa là mát mặt, nắng là rát đầu.

Cơ sở vật chất đã vậy, song thử thách lớn hơn lại là bởi người dân lúc đó có còn lạc hậu, ý thức còn thấp nên vận động ra lớp là điều không dễ dàng. Sau 4 năm (từ năm 2004 - 2007), thầy Hợp chuyển về xã Bum Nưa, huyện Mường Tè. Từ 2007 trở đi, thầy Hợp gắn bó với mảnh đất Pa Vệ Sử tại điểm trường Sín Chải A.

Hướng ánh mắt nhìn lặng lẽ ra màn sương đặc quánh nơi núi đồi xa xăm của điểm trường Sín Chải A, thầy Lường Văn Hợp tâm sự, động lực để thầy vượt qua những thiếu thốn nơi non cao là nhờ những tấm lòng chân thành, son sắt của bà con, của các em học sinh mới giúp thầy Hợp đủ dũng khí bền bỉ gieo chữ nơi non cao.

Mong gió ngừng "lùa" để các con đỡ lạnh…
Mong gió ngừng "lùa" để các con đỡ lạnh…

Năm học 2020 - 2021 cũng là năm học thứ 20 thầy Lường Văn Hợp bước vào nghề giáo. Đây cũng là năm thứ 3 thầy cắm tại bản Sín Chải A, một bản thuộc diện khó khăn nhất của xã Pa Vệ Sử, xã xa xôi và cũng là nơi khó khăn nhất của huyện Mường Tè.

Đây là địa bàn sinh sống của người La Hủ và người Mảng. Điều kiện kinh tế của bà con dân tộc thiểu số nơi đây còn nghèo, cuộc sống của họ chênh vênh trong những căn nhà vách gỗ hun hút gió rít quanh năm trên sườn núi cao.

Cuộc sống của bà con nơi đây còn khó khăn, từng cái ăn, cái mặc của đồng bào còn thiếu thốn nên việc vận động cho bà con cho trẻ đến lớp học lấy con chữ là một việc nan giải. Cũng chẳng thể ngày một, ngày hai là có thể thuyết phục được bà con dân bản. Bởi thế mà cứ ngày lại ngày, tháng lại tháng và năm qua năm, thầy Hợp cứ miệt mài băng rừng, lội suối ròng rã kiên trì, thuyết phục để đồng bào đưa trẻ tới trường.

Nói về những ngày đầu ở Pa Vệ Sử, thầy Hợp cho biết, mới đây mới có đường xe vào, trước kia toàn phải đi bộ. "Ngày đầu vào cầu cống cũng không có, anh em lên trường, nhất là vào mùa lũ, người thì biết bơi, người không biết bơi nên toàn phải dẫn dắt nhau vào để làm sao qua được suối an toàn. Bây giờ thì đỡ hơn nhiều. Thời điểm đó thì chỉ ở trên bản, bây giờ mới có thời gian về với gia đình", thầy Hợp cho biết.

Trong câu chuyện của mình, thầy Hợp cho biết, mình vừa mới hoàn thiện kỳ thi tuyển dụng vào viên chức bởi 20 năm trước, thầy chỉ nhận quyết định gộp, không có quyết định riêng. Cũng trong suốt thời gian cắm bản, đường sá quá xa, cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng thầy Hợp vẫn gắng sức hoàn thiện trình độ để phù hợp với yêu cầu mới của ngành.

Với thầy, 20 năm cắm bản, khó khăn chỉ như vụt qua: "Kỷ niệm thì có nhiều. Nhưng chủ yếu là những tháng ngày gian khó. Nhưng khổ mãi thành quen. Mọi thứ cứ thế trôi đi qua từng năm học nên không biết cái nào nhớ nhất để mà kể".

Thầy cho biết, hiện mọi thứ đã tốt hơn nên nhìn về hôm qua chỉ là những kỷ niệm để mình tiếp tục con đường "gieo chữ" phía trước. Trong ngần ấy năm gắn bó với bản, với trường, thầy Hợp vẫn nhớ như in cậu trò nghèo Vàng A Sính. Giờ đây, cậu học trò người dân tộc Mông hồi lớp 1 ngày nào giờ đã là cán bộ xã. Đó chính là quả ngọt, là hạnh phúc giản đơn của không riêng gì thầy Hợp, mà là của bất cứ những ai đứng trên bục giảng, miệt mài với những trang giáo án.

"Cũng bởi ở đây quá khó khăn, cơ sở vật chất thì nghèo nàn nên tôi luôn hằng mong muốn điểm trường Sín Chải sẽ được đầu tư khang trang, lớp học được kín gió. Để mỗi khi đông về, các con không bị lạnh. Tôi vẫn hằng mong giao thông được thuận tiện hơn, đỡ lầy lội mỗi khi mưa về, để các em dễ đến trường hơn. Để tương lai các thế hệ trẻ được tươi sáng hơn. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của mỗi nhà giáo như chúng tôi", thầy Hợp bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.