Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thầy giáo A Mik- Tấm gương sáng về nghị lực sống

Thùy Dung - 15:12, 04/11/2021

Bệnh tật đã cướp đi đôi chân của thầy giáo A Mik (dân tộc Ba Na ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), nhưng vượt lên số phận, thầy vẫn từng ngày miệt mài truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh về nghị lực sống.

Dù phải di duyển bằng xe lăn nhưng thầy giáo A Mik luôn tâm huyết
Dù phải di duyển bằng xe lăn nhưng thầy giáo A Mik luôn tâm huyết để "gieo chữ" và truyền nghị lực sống cho học trò

Trong mắt các đồng nghiệp ở Trường Tiểu học -THCS Đăk Rơ Wa, thầy giáo A Mik luôn là một tấm gương sáng đầy nghị lực về nỗ lực vượt lên số phận. Hơn 1 tuổi, cậu bé A Mik bị một cơn sốt rét đã làm teo chân phải. Suốt những năm tháng tuổi thơ đến khi trưởng thành, A Mik chỉ đi bằng chân trái và chiếc nạng. Đến tháng 9/2020, một tai nạn không may xảy ra khiến chiếc chân còn lại của thầy A Mik cũng trở nên tàn phế.

Tâm sự với chúng tôi, thầy A Mik chia sẻ: “Trong những năm tháng tuổi thơ, đôi nạng chống chân đã trở thành người bạn đồng hành cùng mình trên khắp các nẻo đường. Đến tuổi đi học, mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè. Mỗi lần đến lớp, mình đều phải nhờ bạn cõng qua suối. Mình cũng phải mang theo một bộ đồ, phòng khi té ngã sẽ có đồ để thay”.

Trên hành trình 12 năm học phổ thông, cậu bé A Mik khiếm khuyết đôi chân luôn quyết tâm học thật tốt để nuôi ước mơ được trở thành thầy giáo. Sau khi đỗ tốt nghiệp lớp 12, A Mik đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Đến năm 2010, A Mik tốt nghiệp ra trường và chính thức trở thành thầy giáo dạy môn Địa lý và Giáo dục công dân tại Trường Tiểu học-THCS Đăk Rơ Wa.

“Mình sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục nên luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học chữ. Mình cũng hiểu rằng, vì điều kiện khó khăn nên nhiều người dân ở làng mình không được học chữ. Mình muốn trở thành thầy giáo để có thể giúp con em đồng bào mình được học chữ nhiều hơn”, thầy A Mik chia sẻ.

Chiếc xe lăn và các học trò trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ thầy A Mik trong công việc và cuộc sống
Chiếc xe lăn và các học trò trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ thầy A Mik trong công việc và cuộc sống

Sau hàng chục năm làm bạn với đôi nạng, đến tháng 9/2020, thầy A Mik không may bị tai nạn xe máy tông khiến chiếc chân còn lại cũng bị tàn phế. Buồn hơn, người vợ của thầy đang đi làm ăn xa ở phía Nam, khi nghe tin chồng bị tai nạn đã cắt đứt liên lạc, bỏ mặc con thơ và người chồng đang điều trị bệnh ở quê nhà.

“Thời điểm ấy, những chuyện không vui liên tiếp ập đến khiến mình từng có lúc tuyệt vọng. Vợ đi làm 4 năm nhưng chưa về thăm nhà lần nào. Thời gian đầu, vợ còn gửi tiền về nuôi con, nhưng sau này cô ấy cắt đứt liên lạc. Đứa con trai 2 tuổi dường như hiểu chuyện hơn những đứa trẻ khác, nó cũng ít hỏi về mẹ để cha yên tâm công tác. Nhờ có sự quan tâm của gia đình, sự an ủi, động viên của đồng nghiệp, mình cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn để tiếp tục công việc gieo chữ và nuôi con”, thầy A Mik tâm sự.

Sau vài tháng điều trị, thầy A Mik đã trở lại lớp dạy với người bạn đồng hành mới là chiếc xe lăn. Trở lại lớp học với nhiều khó khăn, hạn chế trong việc di lại, nhưng thầy A Mik luôn tìm cách để khắc phục. Trước đây, thầy A Mik có thể kết hợp 2 phương thức dạy học là viết bảng và chiếu slide. Nhưng khi trở lại lớp học lần này, các tiết học của thầy gần như phải nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

Thầy A Mik cho biết: “Hiện nay, mình chủ yếu soạn giáo án, nội dung các tiết học bằng máy tính. Thời gian rảnh, mình đều phải mày mò thêm trên mạng internet các kĩ năng dạy học bằng phương thức trình chiếu, vì mình muốn mang đến cho học trò những điều mới mẻ trong các tiết học, để tạo hứng thú cho các em. Rất may mắn, học trò của mình đều ngoan, nghe lời và chịu khó phối hợp với thầy trong công tác giảng dạy nên các tiết học đều đạt hiệu quả tốt”.

Thầy A Mik luôn tìm tòi, sáng tạo trong việc dạy học để tạo hứng thú cho các học sinh
Thầy A Mik luôn tìm tòi, sáng tạo trong việc dạy học để tạo hứng thú cho các học sinh

Thầy Phan Đình Kiên, Hiệu Trưởng Trường TH-THCS Đăk Rơ Wa cho biết: Hiểu được hoàn cảnh của thầy A Mik, các cán bộ, giáo viên trong trường đều rất quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho thầy. Để thầy A Mik thuận tiện trong công tác giảng dạy, nhà trường đã sắp xếp 1 lớp học có thiết kế riêng để thầy dễ dàng truyền dạy cho các em. Cứ đến tiết dạy của thầy, các em học sinh sẽ chuyển đến lớp học này để học.

“Thầy A Mik là một điển hình về nghị lực sống khiến tất cả các giáo viên và học sinh trong trường đều khâm phục và ngưỡng mộ. Nghị lực sống của thầy đã tiếp thêm ý chí, tinh thần vượt khó để các em học sinh, nhất là các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, phấn đấu vượt lên số phận, vươn lên trong học tập và cuộc sống”, Thầy Hiệu trưởng Phan Đình Kiên xúc động chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.