Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Thấy gì từ hệ thống các trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú

PV - 10:26, 12/10/2018

Trong các kỳ báo trước, Báo Dân tộc và Phát triển đã phản ánh những vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên, học sinh, sinh viên các trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú (TCNDTNT). Để tháo gỡ những vướng mắc thì việc cần phải làm là điều chỉnh các quy định hiện hành, nhất là việc “gom” các quy định thành một cơ chế thống nhất để thực hiện.

Bài cuối: Gỡ vướng từ trên xuống

Nhập nhằng quy định

Như đã phản ánh trong kỳ báo trước, nhiều năm nay, Trường TCNDTNT Nghĩa Lộ (Yên Bái) thực hiện chế độ, chính sách nội trú cho học viên học nghề, vừa dạy nghề vừa đào tạo văn hóa. Nhưng giáo viên của nhà trường không được thụ hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP như các giáo viên ở các trường chuyên biệt khác. Nguyên nhân là do theo Luật Giáo dục hiện hành, trường TCNDTNT không nằm trong danh sách các trường chuyên biệt.

 Giáo viên ở các trường TCNDTNT thường phải giảng dạy theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. (Trong ảnh: Hướng dẫn học viên thực hành trên máy tính tại trường TCNDTNT tỉnh Kiên Giang-Ảnh tư liệu). Giáo viên ở các trường TCNDTNT thường phải giảng dạy theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. (Trong ảnh: Hướng dẫn học viên thực hành trên máy tính tại trường TCNDTNT tỉnh Kiên Giang-Ảnh tư liệu).

Trong khi đó, ở một văn bản khác Quyết định 1379/2013/QĐ-TTg ngày 12/8/2013 về phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2020 lại quy định giáo viên ở các trường TCNDTNT được hưởng chính sách ưu đãi như giáo viên ở trường chuyên biệt.

Theo Quyết định, mục tiêu đến năm 2020, tại các địa bàn nêu trên sẽ có 50 trường trung cấp nghề, trong đó có từ 8-10 trường TCNDTNT. Điểm e, mục 2, Điều 3 của Quyết định 1379/2013/QĐ-TTg quy định: “giáo viên dạy nghề cho học sinh, sinh viên học nghề nội trú được hưởng chính sách như nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt”.

Thực hiện mục tiêu này, Trường TCNDTNTN Nghĩa Lộ được nâng cấp từ Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Lộ; từ tháng 4/2016, trường “cõng” thêm Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp dạy nghề Nghĩa Lộ, trở thành đơn vị trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái. Ngay trong năm học đầu tiên sáp nhập (2016-2017), trường đảm nhận đào tạo 7 lớp học văn hóa các khối 10, 11, 12 với 219 học viên; 28 lớp khối học nghề phổ thông với 990 học sinh, 22 lớp hệ trung cấp nghề với 526 học sinh; đồng thời thực hiện chính sách nội trú cho hàng trăm học viên.

Do không có tên trong danh sách các trường chuyên biệt được quy định trong Luật Giáo dục nên giáo viên nhà trường không được hưởng phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc (nếu trường đóng ở địa bàn ĐBKK); 50% mức lương theo ngạch, bậc (nếu không đóng ở địa bàn ĐBKK) theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP. Trên cơ sở rà soát các quy định, từ năm học 2017-2018, tỉnh Yên Bái đã tạm thời thực hiện chính sách ưu đãi cho giáo viên trường TCNDTNT như trường chuyên biệt, với phụ cấp 50% mức lương theo ngạch bậc, được truy lĩnh bắt đầu từ năm học 2014-2015.

Sớm sửa đổi chính sách

Việc UBND tỉnh Yên Bái thực hiện chi trả phụ cấp là sự động viên cho giáo viên trường TCNDTNT Nghĩa Lộ. Tuy nhiên, đây chỉ mới tạm cấp; đồng thời cũng chỉ mới có Yên Bái thực hiện điều này, còn ở nhiều địa phương khác chưa thể thực hiện.

Hơn nữa, việc tạm thời thực hiện chi trả phụ cấp 50% mức lương theo ngạch bậc cho giáo viên trường TCNDTNT Nghĩa Lộ cũng chưa đúng nếu chiếu theo quy định tại Quyết định 1836/QĐ-LĐTBXH, ngày 27/11/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Trong danh sách các trường được lựa chọn kèm theo Quyết định này có tên trường TCNDTNT Nghĩa Lộ, với 3 ngành nghề trọng điểm là điện công nghiệp, hàn, may thời trang; trường cũng nằm trong nhóm trường chuyên biệt công lập đào tạo học viên là người DTTS (quy định tại Khoản 3, Điều 1 của Quyết định 1386/QĐ-LĐTBXH).

Theo Quyết định 1836/QĐ-LĐTBXH thì giáo viên ở các trường chuyên biệt công lập đào tạo nghành nghề trọng điểm quốc gia được hưởng mức phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc. Như vậy, chiếu theo quy định này thì việc giáo viên trường TCNDTNT Nghĩa Lộ được tạm thời chi trả phụ cấp 50% mức lương cũng là chưa thỏa đáng.

Những nhập nhằng trong cơ chế thực hiện chính sách ưu đãi cho giáo viên nêu trên cũng là tình trạng chung ở nhiều trường TCNDTNT trên cả nước. Chính quyền các địa phương cũng như Bộ LĐTBXH đã có ý kiến sửa đổi Nghị định 61/2006/NĐ-CP để giáo viên ở các trường TCNDTNT bớt thiệt thòi.

Cụ thể, ngày 07/3/2018, Tổng cục Giáo dục nghề Nghiệp (Bộ LĐTBXH) đã có Công văn số 393/CV-TCGDNN gửi Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); ngày 09/5/2018, Bộ LĐTBXH cũng đã có Công văn số 1733/CV-LĐTBXH gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị sửa đổi Nghị định 61/2006/NĐ-CP, bổ sung các trường TCNDTNT vào danh sách các trường chuyên biệt. Tuy nhiên, để sửa đổi Nghị định 61/2006/NĐ-CP thì còn phải chờ thủ tục thẩm định, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.

Thực tế, việc sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 61/2006/NĐ-CP, bổ sung trường TCNDTNT vào danh sách các trường chuyên biệt là có cơ sở pháp lý. Trong Quyết định 1379/2013/QĐ-TTg, ngày 12/8/2018 cũng đã có đề cập vấn đề này. Quyết định 1379/2013/QĐ-TTg ghi rõ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề là: “Xây dựng và bổ sung chính sách cho giáo viên dạy nghề cho học sinh, sinh viên học nghề nội trú được hưởng chính sách như nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt”.

Quyết định 1379/2013/QĐ-TTg đã được ban hành được 5 năm; đồng thời, trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi cho nhà giáo theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP cũng đã bộc lộ những bất cập. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh chính sách theo hướng được nêu trong Quyết định 1379/2013/QĐ-TTg. Đây là vấn đề cần được quan tâm khi mà thời điểm năm 2020 đã gần kề; việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2006/NĐ-CP cần được đưa vào định hướng xây dựng chính sách cho giai đoạn mới.

SỸ HÀO