Bài 3: Trò chờ chế độ, thầy chờ chính sách
Học viên chờ chế độ
Như kỳ báo trước đã phản ánh, sau khi Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg, ngày 20/10/2015 về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp nghề có hiệu lực (ngày 01/1/2016), nhiều học viên các trường TCNDTNT đã bị “cắt” chính sách học bổng vì không thuộc đối tượng thụ hưởng. Với những học viên được thụ hưởng chính sách thì phải dài cổ chờ chế độ vì quy định mới về phân cấp kinh phí thực hiện.
Như ở Kon Tum, năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 500 học viên được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học nghề theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg. Nhưng kinh phí hỗ trợ cấp chậm nên nhiều học viên thuộc diện thụ hưởng gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập; nhiều em buộc phải nghỉ học giữa chừng. Chỉ riêng lớp nghề K14-Trường Trung cấp nghề Kon Tum, hết học kỳ I của năm học 2017-2018 đã có 66 học viên thuộc diện được hưởng chính sách nội trú theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg bỏ học vì không đủ chi phí sinh hoạt.
Cũng như Kon Tum, ở tỉnh Quảng Ngãi, nhiều học viên thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 53/2015/QĐ/TTg cũng rơi vào tình cảnh này. Tất cả các em đều là con em của hộ nghèo, hộ cận nghèo ở miền núi nên việc chậm cấp tiền hỗ trợ khiến cuộc sống của các em rất khó khăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, kinh phí hỗ trợ học nghề thường bị cấp chậm là do vướng mắc trong quy định về nguồn kinh phí thực hiện Quyết định 53/2015/QĐ-TTg. Khoản 2, Điều 6 của Quyết định ghi rõ: “Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách quy định tại Quyết định này”.
Thực tế, các địa phương thuộc vùng DTTS và miền núi đều thuộc diện “chưa tự cân đối được ngân sách”. Do đó, với quy định này, các địa phương có tâm lý chờ đợi Trung ương phân bổ, không linh hoạt bố trí nguồn để thực hiện chính sách.
Nhưng để được “rót” kinh phí từ ngân sách Trung ương thì phải trải qua quá trình rà soát rất kỹ càng; do đó việc tiền về chậm là điều dễ hiểu.
Như ở Quảng Ngãi, trong hai năm 2016-2017, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 53/2015/QĐ-TTg là gần 1,3 tỷ đồng, nhưng không được bố trí trong định mức chi thường xuyên ngân sách địa phương. Sở Tài chính của tỉnh đã phải nhiều lần có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện.
Đến cuối năm 2017, Sở mới tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết bổ sung trong thời gian chỉnh lý quyết toán năm 2017 để các trường chi trả cho học sinh. Năm học 2018-2019, “rút kinh nghiệm” từ những năm trước, UBND tỉnh đã giao bố trí nguồn thực hiện chính sách trong dự toán từ đầu năm nhằm tránh thiệt thòi cho học viên thuộc đối tượng thụ hưởng.
Chồng chéo quy định, giáo viên thiệt thòi
Không chỉ học viên mà lâu nay, giáo viên ở các trường TCNDTNT cũng chịu nhiều thiệt thòi vì chưa được hưởng chính sách ưu đãi. Nguyên nhân là do sự chồng chéo trong các quy định liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo giảng dạy ở những trường chuyên biệt.
Trong Luật Giáo dục hiện hành, trường chuyên biệt bao gồm các trường: Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học; trường chuyên, trường năng khiếu; trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật; trường giáo dưỡng; không có tên trường TCNDTNT. Do đó, nhà giáo và cán bộ quản lý ở các trường TCNDTNT không được thụ hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ.
Theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP, với nhà giáo, cán bộ quản lý công tác ở các trường chuyên biệt được hưởng phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc (nếu trường đóng ở địa bàn ĐBKK); hưởng phụ cấp 50% mức lương theo ngạch, bậc (nếu không đóng ở địa bàn ĐBKK). Nhưng vì không có tên trong danh sách các trường chuyên biệt được luật quy định nên giáo viên ở các trường TCNDTNT không được hưởng chính sách này.
Trong khi đó, các trường TCNDTNT lại thực hiện chức năng, nhiệm vụ như trường chuyên biệt. Đó là, vừa giảng dạy chương trình giáo dục trung học phổ thông, vừa giáo dục nghề nghiệp; vừa thực hiện chế độ chính sách cho học viên, vừa quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh dân tộc nội trú… như một trường chuyên biệt.
Như ở trường TCNDTNT Nghĩa Lộ (Yên Bái), có nhiệm vụ đào tạo nghề, đào tạo văn hóa, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh dân tộc nội trú. Từ năm 2014 đến nay, trường đã tổ chức đào tạo hệ trung cấp dân tộc nội trú cho 650 học viên (đa số đến từ hai huyện ĐBKK là Trạm Tấu, Mù Cang Chải).
Nhưng từ đó đến nay, 47 giáo viên, cán bộ quản lý của trường không được hưởng phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt. Theo ông Lâm Tuấn Khanh, Hiệu trưởng nhà trường, trường đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh, với Trung ương áp dụng chính sách ưu đãi nhà giáo như ở các trường chuyên biệt, bởi thực tế giáo viên của nhà trường đã và đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ rất chuyên biệt.
Sau khi xem xét các văn bản hướng dẫn liên quan của Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tháng 12/2017, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành quy định tạm thời thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên trường TCNDTNT Nghĩa Lộ; giao Sở Nội vụ thẩm định và tổng hợp nhu cầu kinh phí, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trước ngày 29/12/2017. Từ năm học 2018-2019, chính sách ưu đãi cho giáo viên ở trường TCNDTNT sẽ được thực hiện, bớt một phần khó khăn cho giáo viên.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là quy định tạm thời của tỉnh Yên Bái, về lâu dài thì chưa thể biết trước. Hơn nữa, giáo viên ở trường TCNDTNT Nghĩa Lộ cũng chỉ được hưởng phụ cấp 50% mức lương theo ngạch bậc, bắt đầu tính từ ngày 01/8/2014 trở đi.
Nguyên nhân của tình trạng này là những vướng mắc trong các quy định hiện hành trong việc thực hiện chính sách ưu đãi cho nhà giáo đang công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
SỸ HÀO