Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Thấy gì từ “Đề án bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum?”

PV - 10:58, 21/06/2019

Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống của cộng đồng các DTTS thì việc triển khai “Đề án bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum” là rất cần thiết. Tuy nhiên, Đề án cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, nếu không có sự điều chỉnh và nỗ lực thực hiện của các cấp, ngành có liên quan thì mục tiêu rất khó đạt.

Bài 2: Nhiều bất cập phải khắc phục

Các nghệ nhân thực hành chế tác nỏ. Các nghệ nhân thực hành chế tác nỏ.

Vốn ít, khó thực hiện

Theo mục tiêu của Đề án, tỉnh Kon Tum sẽ hỗ trợ để bảo tồn, phát triển 7 nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, gồm các dân tộc: Xơ-đăng, Ba Na, Giẻ-triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê. Đề án bắt đầu triển khai từ năm 2017, nhưng đến nay việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí thực hiện.

Theo Đề án, tổng kinh phí thực hiện bảo tồn 7 nghề truyền thống là trên 5 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước là hơn 3,8 tỷ đồng (lồng ghép vốn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là 1,18 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 2,678 tỷ đồng). Ngoài ra còn huy động 1,14 tỷ đồng từ sự đóng góp của Nhân dân.

Nhưng theo bà Trần Thị Diệu Hằng, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum thì nguồn vốn 1,18 tỷ đồng theo Quyết định 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động DTTS ghi trong Đề án chỉ là… cho có, bởi không thể lồng ghép vốn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg khi thực hiện Đề án.

Theo bản thuyết minh vốn của Đề án thì vốn lồng ghép từ Quyết định 1956/QĐ-TTg là tương đối cụ thể. Đó là: năm 2018 được bố trí lồng ghép 360 triệu đồng; năm 2019 được bố trí lồng ghép 460 triệu đồng và năm 2020 là 360 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm này (tháng 6/2019), nguồn vốn từ Quyết định 1956/QĐ-TTg vẫn chưa được bố trí lồng ghép để thực hiện Đề án này mà hoàn toàn do ngân sách địa phương chi trả.

“Trong 2 năm 2017, 2018, ngân sách tỉnh đã bố trí được 1,4 tỷ đồng để triển khai một số hạng mục của Đề án. Thiếu kinh phí nên nhiều nội dung của Đề án chưa thể triển khai được”, bà Hằng cho biết.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, với kinh phí được phân bổ, Ban Dân tộc đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng panô tuyên truyền trực quan về bảo tồn nghề truyền thống tại 5 huyện: Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đăk Tô; Xây dựng băng đĩa về quy trình sản xuất 07 nghề truyền thống. Tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền, vận động công tác bảo tồn và phát triển nghề trực tiếp tại các địa phương với tổng số người tham gia là 875 người; Xây dựng điểm trưng bày và tổ chức trưng bày sản phẩm tại trụ sở cơ quan…

Đối với hoạt động dạy nghề, do thiếu kinh phí nên Đề án mới chỉ mở được vài lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Rơ Măm, Hrê với kinh phí 50 triệu đồng. Cùng đó là 416 triệu đồng để hỗ trợ khung dệt thổ cẩm cho 208 hộ dân trong hai năm 2018-2019. Ngoài ra, Đề án cũng mới chỉ hỗ trợ kinh phí để mở lớp dạy nghề rèn cho 20 thanh niên DTTS tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông. Các nghề truyền thống còn lại như; đan lát, làm rượu cần, tạc tượng, làm gốm, làm thuyền độc mộc chưa mở được một lớp đào tạo hoặc dạy nghề nào.

Giải pháp chưa tạo đột phá

Theo bà Trần Thị Diệu Hằng, Trưởng phòng Tuyên truyền và Địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, việc triển khai thực hiện Đề án bước đầu đã tuyên truyền vận động đồng bào các DTTS tại chỗ, nhất là những người đang trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên, Người có uy tín về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình. Đồng bào đã tích cực tham gia học nghề, truyền nghề.

“Tuy nhiên, qua quá trình triển khai Đề án đã bộc lộ một số bất cập, như: Phạm vi, đối tượng thực hiện Đề án rất rộng nhưng những giải pháp của Đề án đưa ra lại chưa hợp lý, khó quy trách nhiệm cho các sở, ngành trong quá trình thực hiện. Một số đơn vị, địa phương chưa phát huy hết vai trò, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo, truyền nghề cho lao động chưa đảm bảo chất lượng, chưa đúng nhu cầu công việc để phát triển nghề”, bà Hằng cho biết.

Sở dĩ phải khẳng định như vậy là bởi, nghề truyền thống chỉ có thể được bảo tồn, phát triển khi sản phẩm nghề trở thành sản phẩm hàng hóa. Bởi, chỉ bằng cách đưa các sản phẩm truyền thống trở thành hàng hóa và ổn định đầu ra cho sản phẩm mới thực sự tạo động lực thúc đẩy hiệu quả của quá trình này.

Nhưng xét lại quá trình thực hiện “Đề án bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum” thì giải pháp chính vẫn đang được đóng khung ở khâu dạy nghề, đào tạo nghề, chưa chú trọng khâu sau dạy nghề.

Đó là chưa nói tới việc tổ chức dạy nghề, truyền nghề cũng đang còn bó hẹp. Như lớp dạy nghề dệt truyền thống cho phụ nữ ở làng Le, xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) được mở từ tháng 8/2017; giáo viên là nghệ nhân Y Thoai, dân tộc Ba Na, đến từ Gia Lai. Theo đánh giá thì hiện các học viên của lớp nghề này mới tương đối thanh thạo kỹ thuật dệt khăn choàng thổ cẩm.

Tương tự, tại xã Pờ Ê (huyện Kon Plông), để bảo tồn và gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Hrê nơi đây, nghệ nhân Phạm Thị Gam, dân tộc Hrê đã được mời từ làng Têng, xã Ba Thành (Ba Tơ, Quãng Ngãi) sang để truyền dạy. Nhưng các học viên cũng chỉ mới nắm được những kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật cơ bản trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê.

“Đề án bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum” được triển khai với rất nhiều kỳ vọng. Nhưng cho đến nay, khi thời gian thực hiện chỉ còn hơn 1 năm, các hạng mục của Đề án vẫn còn dang dở. Do vậy, việc đạt được mục tiêu của Đề án là khó khả thi nếu không có sự chỉ đạo của tỉnh và sự vào cuộc có trách nhiệm của các sở, ngành chức năng tỉnh Kon Tum.

MINH THU