Bài 1: Nghề truyền thống trước nguy cơ mai một
Cộng đồng các DTTS ở Kon Tum có rất nhiều nghề, sản phẩm nghề độc đáo, gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng, mang đậm văn hóa truyền thống. Nhưng cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhiều nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí có nghề biến mất hoặc biến dạng.
Người biết nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay
Trong rất nhiều nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, nghề rèn của đồng bào Xơ-đăng ở Kon Tum có những nét độc đáo, riêng biệt. Sản phẩm rèn của bà con chủ yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất như con dao, cái rựa, cái cuốc... để đi rừng, làm rẫy.
Nghệ nhân A Chơn, làng Văn Loa, xã Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết: “Từ xa xưa, cha ông chúng tôi đều tự làm con dao của mình để đi rừng, đi rẫy. Vì thế, chúng tôi đề cao tính tiện dụng, độ bền và độ sắc bén của con dao”.
Theo nghệ nhân A Chơn, điều đáng tiếc là hiện nay người biết nghề rèn trong cộng đồng dân tộc Xơ-đăng ngày một ít đi. Sản phẩm nghề được làm ra không phải là hàng hóa mà chủ yếu cung cấp cho đàn ông, con trai trong làng, hầu như chưa bán ra ngoài. Do đó nghề rèn đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
Trăn trở của nghệ nhân A Chơn là một thực tế. Chúng tôi đã tiếp cận được với một số thợ rèn đang cố gắng giữ nghề truyền thống ở Kon Tum và ghi nhận được những trải lòng của họ.
Như trường hợp ông Đỗ Huệ, người đã theo nghề rèn hơn 40 năm và là người cuối cùng trong dòng họ có tới 4 đời theo nghề này. Lò rèn của ông Huệ là căn nhà lụp xụp, cũ kỹ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Kon Tum vẫn ngày ngày vang lên tiếng búa, tiếng đe; chiếc bễ rèn vẫn thường xuyên đỏ lửa, dù rằng nó có vẻ lạc lõng giữa sự năng động của một thành phố đang trên đà phát triển.
Ông Huệ cho biết: Vài chục năm trước, ở Kon Tum còn có nhiều gia đình làm nghề. Nhưng nay, số thợ rèn biết nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay; họ cũng không thường xuyên rèn mà chủ yếu làm việc khác như: hàn, sửa xe, phụ hồ… để mưu sinh.
Không chỉ nghề rèn của đồng bào Xơ-đăng mà nhiều nghề truyền thống của cộng đồng các dân tộc khác ở Kon Tum cũng đang ngày càng ít người biết nghề. Theo thống kê, tỉnh Kon Tum hiện có 85 xã, phường, thị trấn tại 9 huyện, thành phố còn gìn giữ được các ngành nghề truyền thống. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, một số ngành nghề truyền thống đang đối mặt với nguy cơ mai một, thậm chí có một số nghề đã biến mất hoặc biến dạng do quá trình hội nhập.
Gấp rút bảo tồn
Trong những nghệ nhân mà chúng tôi gặp gỡ, trao đổi, tất cả đều mong muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc mình. Họ đã nỗ lực đề giữ nghề, nhưng để phát triển nghề theo hướng sản xuất hàng hóa thì “lực bất tòng tâm”.
Ông A Xê là một trong số ít thợ rèn ở làng Văng Tó, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà đã dẫn 3 thợ rèn nhiệt huyết từ làng về TP. Kon Tum phục dựng bễ lò, sản xuất các sản phẩm nghề truyền thống vừa để bán, vừa để giới thiệu với du khách. Nhưng chừng đó cũng chưa đủ bởi như chia sẻ của ông Xê, muốn bảo tồn, phát triển nghề rèn cần có kinh phí cũng như các hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ông mong muốn có được cơ chế, chính sách để bảo tồn nghề, vừa để giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế.
Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã xây dựng “Đề án bảo tồn nghề truyền thống các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum” (gọi tắt là Đề án). Đề án được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định 322/QĐ-UBND ngày 19/4/2017, với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ.
Ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Triển khai Đề án, tỉnh Kon Tum đã chọn 7 nghề để bảo tồn, phát triển, trong đó có nghề rèn, dệt thổ cẩm, làm thuyền độc mộc, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, nghề gốm… Ban Dân tộc tỉnh Kom Tum đã xây dựng 5 loại băng đĩa quy trình sản xuất nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn. In 574 băng đĩa quy trình sản xuất nghề các loại, hoàn thành xây dựng phòng trưng bày sản phẩm tại Ban Dân tộc tỉnh... Với riêng nghề rèn, cuối năm 2017 Kom Tum đã mở 1 lớp dạy nghề tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông) cho 20 học viên, chủ yếu là thanh niên.
Rõ ràng, việc triển khai “Đề án bảo tồn nghề truyền thống các dân tộc tại chỗ tỉnh Kon Tum” là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận Đề án, nhiều ý kiến còn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của Đề án, nhất là vấn đề mục tiêu của Đề án liệu có đạt. Những băn khoăn này không phải là không có cơ sở khi mà các giải pháp được nêu trong Đề án vẫn còn mang tính chung chung. Đáng chú ý, phạm vi, đối tượng thụ hưởng Đề án tương đối rộng, nhưng kinh phí thực hiện không nhiều, thời gian thực hiện quá ngắn,… có thể sẽ là những hạn chế khiến Đề án khó đạt mục tiêu.
MINH THU