Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện tín dụng chính sách tại vùng khó khăn: Thêm điều kiện giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới (Bài cuối)

Tùng Nguyên - 16:50, 14/08/2022

Bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo ở vùng đồng bào DTTS. Chính vì vậy, việc hỗ trợ phụ nữ DTTS tiếp cận tín dụng chính sách ưu đãi ở vùng khó khăn phát triển kinh tế là công cụ trực diện giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới ở khu vực này.


Trung bình mỗi ngày một phụ nữ DTTS dành khoảng 5 giờ để chăm sóc trẻ em, người già, nấu nướng, lấy củi,… (Ảnh minh họa)
Trung bình mỗi ngày một phụ nữ DTTS dành khoảng 5 giờ để chăm sóc trẻ em, người già, nấu nướng, lấy củi,… (Ảnh minh họa)

Rào cản từ quy định

Theo quy định tại Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn (QĐ 31), người đứng ra vay vốn phải là chủ hộ gia đình. Theo đó, chủ hộ gia đình đại diện hộ gia đình đứng ra giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong quan hệ vay vốn, trả nợ, trả lãi. Trong khi đó, tỷ lệ hộ gia đình DTTS do phụ nữ làm chủ hộ là không nhiều.

Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế -xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy,  số lượng hộ gia đình DTTS do nữ làm chủ chỉ có 740 nghìn hộ, chiếm 21,2% tổng số hộ DTTS cả nước. QĐ 31 quy định phải là chủ hộ gia đình mới được vay vốn khiến không ít phụ nữ DTTS khó tiếp cận chính sách, dù rằng họ có sức khỏe, kỹ năng và ý chí vươn lên.

Đáng chú ý, không chỉ riêng tín dụng chính sách theo QĐ 31 mà phụ nữ DTTS bất lợi hơn nam giới trong tiếp cận tín dụng chính thức từ NHCSXH để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất – kinh doanh – dịch vụ. Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, chỉ có 15,8% chủ hộ DTTS là nữ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH (so với 20,7% ở hộ DTTS do nam làm chủ). Đồng thời, tỷ trọng chủ hộ DTTS là nữ được vay vốn với số tiền từ 20 triệu đồng trở xuống là 35%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của chủ hộ DTTS là nam được vay là 27,1%.

Điều này dẫn đến thực trạng, phụ nữ DTTS chủ yếu làm các công việc “lao động gia đình không lương”. Báo cáo “Thực trạng công việc chăm sóc không lương ở Việt Nam: Rào cản tham gia thị trường lao động” trong giai đoạn 2021 - 2022, do Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam vừa công bố cho thấy rõ điều này.

Cụ thể, qua khảo sát thực trạng lao động không lương ở vùng DTTS Hà Giang và Lai Châu, báo cáo này chỉ ra, trung bình mỗi ngày một phụ nữ DTTS dành khoảng 5 giờ để chăm sóc trẻ em, người già, nấu nướng, lấy củi,… (nam giới DTTS chỉ dành khoảng 2,1 giờ/ngày). Tính giá trị kinh tế của công việc lao động không lương, trung bình một phụ nữ DTTS đóng góp khoảng 2,7 triệu đồng vào thu nhập hằng tháng của hộ gia đình, tương ứng khoảng 52,4% tổng thu nhập của hộ.

Dù tốn khá nhiều thời gian và đóng góp kinh tế cho gia đình, nhưng công việc không lương của phụ nữ DTTS chưa nhận được sự đánh giá và trân trọng từ các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là nam giới và cộng đồng. Đồng thời, gây ra những trở ngại cho phụ nữ DTTS tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất.

Hơn 70% phụ nữ DTTS đang lao động sản xuất trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp. (Ảnh TL)
Hơn 70% phụ nữ DTTS đang lao động sản xuất trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp. (Ảnh TL)

Thúc đẩy bình đẳng giới

Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 đã chỉ ra, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu tháng của hộ gia đình DTTS do nữ làm chủ cũng cao gấp 1,5 lần so với hộ gia đình DTTS do nam làm chủ. Nếu được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh thì những gia đình DTTS do phụ nữ làm chủ càng có điều kiện để vươn lên.

Gia đình chị Lã Thị Nhung, ở bản Đông Phong, xã Thèn Sin (Tam Đường, Lai Châu) là một ví dụ. Trước đây, mặc dù hai vợ chồng chịu thương chịu khó lao động nhưng thu nhập hàng năm vẫn không đủ trang trải, cuộc sống rất khó khăn.

Năm 2018, từ tư vấn của Hội Phụ nữ xã Thèn Sin, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng theo QĐ 31 để mở một quán tạp hóa. Cùng với những kinh nghiệm và tích lũy buôn bán, chị đã mở rộng, đa dạng hóa hàng, thu nhập gia đình theo đó tăng dần, đạt bình quân 100 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Nhung là một trong rất nhiều hộ DTTS do phụ nữ làm chủ đã vươn lên từ nguồn vốn chính sách ưu đãi từ NHCSXH, được ủy thác qua các cấp Hội Phụ nữ. Chỉ tính riêng trên địa bàn Lai Châu, giai đoạn 2016 – 2020, nguồn vốn chính sách ủy thác qua Hội LHPN tỉnh đã giúp hơn 500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh gần 4,78%/năm.

Cũng như tỉnh Lai Châu, vốn chính sách ủy thác qua các cấp Hội Phụ nữ đã phát huy hiệu quả rất đáng khích lệ. Theo báo cáo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tính đến 31/12/2021, nguồn vốn chính sách ủy thác qua các cấp Hội đã đến với 2,4 triệu khách hàng là hội viên; dư nợ ủy thác qua Hội LHPN đứng đầu trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đạt 93.991 tỷ đồng, chiếm 38,41% tổng dư nợ ủy thác, tăng 7.040 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Đặc biệt, nợ quá hạn ủy thác qua các cấp Hội chỉ chiếm tỷ lệ 0,19%, thấp hơn nợ quá hạn toàn hệ thống NHCSXH (0,2%).

Thực tế này đã đặt ra yêu cầu sửa đổi quy định về đối tượng được vay vốn chính sách từ QĐ 31; vừa tạo thêm điều kiện cho phụ nữ DTTS tiếp cận một “kênh” tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, vừa “gỡ” quy định hiện hành có thể tạo ra sự phân biệt về giới. Trong dự thảo sửa đổi QĐ 31, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi đối tương vay vốn không bắt buộc phải là “chủ hộ gia đình” là chỉ cần là “Người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản của các thành viên trong hộ gia đình chịu trách nhiệm giao dịch với NHCSXH trong quan hệ vay vốn, trả nợ, trả lãi”. Điều này đồng nghĩa, quy định mới (khi được thông qua) sẽ không tạo ra rào cản trong quyền được tiếp cận chính sách đối với phụ nữ DTTS, dù họ không phải là chủ hộ gia đình.

Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, chỉ có 15,8% chủ hộ DTTS là nữ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH (Ảnh minh họa)
Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cho thấy, chỉ có 15,8% chủ hộ DTTS là nữ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH (Ảnh minh họa)

Đề xuất của Bộ Tài chính là phù hợp với định hướng đưa vấn đề giới và tích hợp giới vào các chính sách, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tích hợp giới vào các chính sách cũng được nêu rõ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tập trung ở Dự án 8 của Chương trình, với mục tiêu: nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em.

Theo đó, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã dựa trên cách tiếp cận và nguyên tắc bình đẳng giới. Trong đó đặc biệt quan tâm nhóm phụ nữ, trẻ em gái vùng đồng bào DTTS để họ thực sự có cơ hội, điều kiện phát huy vị thế và vai trò của mình trong đời sống kinh tế – xã hội; tạo điều kiện thoát khỏi cảnh đói nghèo, cải thiện, nâng cao mức sống, nâng cao năng lực cho phụ nữ.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.