Những ai đã từng đi qua năm tháng tình nguyện đều thấm nỗi nhọc nhằn của người dân vùng đồng bào DTTS. Sau những ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, đọng lại trong tâm thức của những thanh niên tình nguyện là những kỷ niệm không thể nào quên.
Chị Nguyễn Thị Lê, hiện công tác tại Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nhớ như in chuyến tình nguyện gần 10 năm về trước. Đoàn của chị về một thôn 100% dân số là đồng bào dân tộc Mường ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
“Chúng tôi đã có 10 ngày ăn ở cùng bà con và thực hiện nhiều hoạt động, như: dạy học cho trẻ em, dạy chữ cho người già, đào mương, làm sân chơi, sửa chữa lớp học, cùng bà con nên nương, cấy lúa…Đối với chúng tôi, mùa hè tình nguyện năm đó mãi là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời mình”, chị Lê tâm sự.
Cô sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội Hoàng Thị Linh, vừa kết thúc chuyến tình nguyện đến với địa bàn vùng khó khăn thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Em chia sẻ: “Tham gia tình nguyện là trải nghiệm quý đối với em. Mặc dù thời gian ngắn thôi, nhưng tình cảm với người dân lại đong đầy. Các hoạt động tình nguyện giúp chúng em trưởng thành hơn; là trường học thực tiễn lớn để chúng em cũng như thanh niên tu dưỡng, rèn luyện, sống nhân văn, biết yêu thương, sẻ chia với cộng đồng”.
Theo báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, qua 20 mùa chiến dịch tình nguyện hè, đã có hơn 70 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia chiến dịch hè; hơn 672 ngàn công trình thanh niên được thực hiện, với tổng kinh phí hơn 3.900 tỷ đồng; hơn 2,1 triệu đơn vị máu được hiến tặng; hơn 14 triệu lượt thí sinh, người nhà thí sinh được hỗ trợ trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, THPT quốc gia; hơn 287 nghìn km đường giao thông nông thôn được sửa chữa, làm mới; hàng nghìn cầu giao thông được xây dựng mới…
Mỗi năm có đến hàng trăm đội thanh niên tình nguyện đi đến vùng DTTS, vùng khó khăn để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; dạy học, khám chữa bệnh miễn phí; tư vấn khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ, giúp đỡ bà con xây dựng cầu, đường, nhà ở, xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh kiểu mới...
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong cho biết: “Đi dân nhớ-ở dân thương-làm dân tin”, “không đợi dân nhờ, không chờ dân nhắc”,… là sự đúc kết từ thực tiễn hoạt động, nhưng đây cũng là đòi hỏi, yêu cầu, nhắc nhở cho mỗi thanh niên khi đến với cộng đồng, là yếu tố quan trọng quyết định cho sự thành công của chiến dịch thanh niên tình nguyện hè qua 20 năm.
Trong thời gian tới, chiến dịch thanh niên tình nguyện hè sẽ được Trung ương Đoàn chỉ đạo triển khai với nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức; lựa chọn, xác lập những việc làm từ yêu cầu của thực tiễn của người dân ở những vùng DTTS, vùng khó khăn của đất nước để đồng hành, sẻ chia, cống hiến sức trẻ.
THANH HUYỀN