Quan Sơn là một trong những huyện miền núi có địa hình phức tạp, cấu tạo địa chất thiếu ổn định, mùa mưa lũ thường xảy ra các hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, trên địa bàn huyện có tới hơn 823 hộ dân sống ở khu vực thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, nhưng trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện mới chỉ có 9 hộ dân được hỗ trợ kinh phí để di dời.
Tại xã Trung Thượng có các bản: Bách, Bôn, Ngàm với 91 hộ, 392 nhân khẩu, nằm trong vùng ảnh hưởng thiên tai. Trong đó, 31 hộ dân của bản Bách sống dọc ven sông Lò, có nguy cơ bị sạt lở cao. Những năm qua, vào mùa mưa bão, người dân ở các bản dù lo sợ, nhưng cũng phải chấp nhận "chung với lũ", với tâm thế sẵn sàng di dời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Ông Hà Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Trung Thượng, cho biết: nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân, tại 3 bản này, xã đã lập quy hoạch khu tái định cư tập trung, với diện tích 8 ha. Dù bố trí được quỹ đất nhưng để người dân di dời đến khu tái định cư mới, là điều không dễ bởi thiếu kinh phí.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, cho biết: Hiện nay, công tác di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do thiếu kinh phí. Mức kinh phí hỗ trợ hộ dân di dời theo quyết định 1776/QĐ-TTg từ 20- 30 triệu đồng/hộ, như vậy là rất thấp, trong khi đời sống của bà con nằm trong vùng ảnh hưởng thiên tai khó khăn, thiếu tiền để đối ứng.
Tại Quan Hóa, đây cũng là một địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, sạt lở đất. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện có 115 hộ được hỗ trợ di dời đến nơi ở mới, trong khi số lượng hộ dân cần di dời lên tới 947 hộ.
Ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Vì điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, kinh phí xây dựng nhà mới quá lớn (khoảng 100 triệu đồng, tùy thuộc vào từng nhà), trong khi đó kinh phí hỗ trợ di dời thấp. Do đó, mặc dù biết rủi ro cao nhưng người dân khó có đủ tiền để xây dựng nhà mới ở nơi tái định cư.
Tại các huyện khác như: Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, việc sắp xếp, ổn định dân cư cho các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo Quyết định 1776/QĐ-TTg cũng đạt kết quả thấp.
Theo thống kê, từ 2016 - 2020, trên địa bàn 11 huyện miền núi, chỉ sắp xếp, ổn định cho được 379 hộ/2.302 hộ dân.
Ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Kết quả bố trí dân cư theo Quyết định 1776 đạt thấp so với kế hoạch, bởi kinh phí bố trí triển khai các chương trình dự án trong thời gian qua rất thấp. Trong khi đó, hầu hết các dự án đều triển khai tại khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, địa hình xây dựng phức tạp đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số vốn được phê duyệt theo Quyết định 1776 cho các dự án bố trí dân cư mới chỉ có 23.556 triệu đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân là 11.890 triệu đồng; hỗ trợ công trình cộng đồng 11.666 triệu đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn các huyện miền núi có khoảng 4.000 hộ dân có nhu cầu sắp xếp, bố trí ổn định dân cư. Do yêu cầu bức thiết, trước mắt UBND tỉnh dự kiến đầu tư 33 dự án bố trí ổn định dân cư vùng ảnh hưởng trên địa bàn 11 huyện, với quy mô 1.766 hộ. Tuy nhiên, với thực trạng thiếu kinh phí kéo dài nhiều năm qua, chắc chắn bài toán đảm bảo an toàn cho người dân vẫn chưa thể có lời giải khả thi.