Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện 12 dự án bảo tồn văn hóa các DTTS; trong đó, có một số dự án tiêu biểu như: Bảo tồn làng Mường truyền thống tại làng Lương Ngọc, xã Cẩm Ngọc; Lễ tục làm vía kéo si - dân tộc Mường (Cẩm Thủy); Lễ hội Xên Cung của đồng bào Khơ Mú (Mường Lát); kiểm kê khoa học Mo Mường Thanh Hóa; bảo tồn hát ru dân tộc Mường Thanh Hóa; bảo tồn hát khặp của người Thái...
Bên cạnh đó, nhiều lễ hội được khôi phục, gìn giữ và phát huy. Điển hình như: Lễ hội Mường Xia (Quan Sơn); Lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), Lễ hội Mường Khô, Căm Mương (Bá Thước); Lễ hội Đình Thi (Như Xuân); Lễ hội sết Boọc Mạy (Như Thanh)... các lễ hội sau khi được phục dựng đã duy trì và phát huy tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho đồng bào các DTTS.
Trong cộng đồng các DTTS ở Thanh Hóa, người Mường có số dân đông nhất, sinh sống tập trung ở các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Bá Thước… Riêng ở Cẩm Thủy, người Mường chiếm gần 60% dân số. Để bảo tồn văn hóa của đồng bào, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp: Tổ chức các lớp tập huấn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng; tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều tỉnh phía Bắc có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống; xây dựng câu lạc bộ cồng, chiêng; khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống và các trò chơi, trò diễn truyền thống...
Ghi nhận tại xã Cẩm Lương cho thấy, từ khi có Dự án bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường vào năm 2012, xã Cẩm Lương đã khôi phục được Lễ hội Khai Hạ tại thôn Lương Ngọc; được Dự án cấp kinh phí hỗ trợ để bảo tồn 10 nhà sàn truyền thống đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Ông Bùi Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương cho biết: “Từ khi có dự án, nhiều nét văn hóa tưởng chừng mai một, thì nay được sống lại; đặc biệt là đã tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của Nhân dân trong xã".
Chiếm tỷ lệ dân số đông thứ 2 (đứng sau người Mường), là người Thái. Dân tộc Thái có kho tàng văn hóa lâu đời và đồ sộ trên mảnh đất xứ Thanh. Đồng bào Thái có ngôn ngữ, chữ viết riêng, đến nay bà con vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa riêng biệt và đặc sắc như, nghề dệt thổ cẩm, nhảy sạp, cồng chiêng, hát khặp Thái…
Trong đó, khặp Thái là loại hình dân ca đặc sắc mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của đồng bào. Tùy theo làn điệu mà khặp Thái có nhiều thể loại khác nhau: khặp xư (ngâm thơ); khặp chôm hươn mơ (hát mừng nhà mới); khặp xường khưởi, ton pợ (hát tiễn rể, đón dâu); khặp chôm pỉ mơ (hát mừng năm mới); khặp bào xảo (hát giao duyên); khặp chốm pợ (hát mừng dâu); khặp pan lau pan khau (hát trên mâm cơm); khặp à lơi lực (hát ru con).
Đặc sắc là vậy, song, việc bảo tồn khặp Thái cũng gặp không ít khó khăn từ việc xâm lấn, giao thoa của các loại hình văn hóa khác. Trong khi đó, thế hệ nghệ nhân có tuổi ngày càng ít, thế hệ trẻ kế cận lại chưa thực sự mặn mà với khặp Thái, điều đó dẫn đến sự trao truyền giữa các thế hệ khá rời rạc. Mặc dù, đã có một số nhóm sinh hoạt biểu diễn khặp Thái được thành lập tự phát, song hiệu quả thực sự vẫn chưa nhiều…
Từ năm 2014, thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát khặp dân tộc Thái của tỉnh, hằng năm huyện tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện; khuyến khích các xã có đồng bào dân tộc Thái khôi phục các lễ hội truyền thống và đưa các loại hình dân ca, dân vũ vào chương trình hội diễn, như: ném còn, nhảy sạp, hát xường, hát giao duyên, hát ru, hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng và các trò chơi dân gian đánh mảng, đi cà kheo..
Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng phối hợp với huyện Thường Xuân đã mở lớp tập huấn “Phục dựng, truyền dạy cách thức khặp giao duyên, khua luống, khèn bè, sáo ôi dân tộc Thái” cho khoảng 100 học viên là những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu được tuyển chọn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các học viên được truyền dạy những kiến thức về các điệu múa dân gian dân tộc Thái, các kỹ năng gõ chày tạo âm thanh cũng như tìm hiểu sâu hơn về một số điệu dân ca, dân vũ dân tộc Thái như: Khặp giao duyên, khèn bè, sáo ôi... Cùng với đó, các học viên được trang bị kỹ năng quảng bá du lịch, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái.
Từ cách làm trên, các học viên sẽ là nhân tố quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của điệu khua luống, nhảy sạp nói riêng, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nói chung;
Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các xã thống kê, rà soát số người còn lưu giữ được các bài khặp cổ...; "Hiện nay, huyện đang triển khai xây dựng Đề án "Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (trong đó có khặp Thái) kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng”, ông Cầm Bá Huyến, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thường Xuân chia sẻ.
Với các giải pháp phù hợp, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách thiết thực, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS của các cấp chính quyền, sự nỗ lực lưu giữ của các nghệ nhân, của đồng bào, tin tưởng rằng, bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục được các thế hệ kế thừa và phát triển.