Tại Thanh Hóa, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giao giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình là 1.231,275 tỷ đồng. Năm 2022, tổng vốn được phân bổ để thực hiện là 412,217 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 394,483 tỷ đồng (vốn đầu tư là 238,108 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 156,375 tỷ đồng); vốn ngân sách tỉnh 17,734 tỷ đồng.
Đến nay, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã tích cực, chủ động trong công tác phối hợp tham mưu các nội dung theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND; chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị rà soát, xác định các nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, địa bàn thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tính đến ngày 15/11/2022, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, đã có 9/11 huyện (gồm Mường Lát, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Thạch Thành) đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; còn một số dự án của 2/11 huyện (Quan Hóa, Quan Sơn) và Trường PTDT Nội trú tỉnh (đang trình UBND tỉnh xác định chủ đầu tư), chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư.
Tại các huyện, Chương trình MTQG năm 2022 là dự án khởi công mới, cần nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, do đó công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư còn chậm. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện nay, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện đang khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các dự án, tiểu dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhằm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 đạt hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, Nhân dân. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục đầu tư và giải ngân nguồn vốn thực hiện.
Tổ chức rà soát, tham mưu sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS, miền núi và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG bảo đảm đúng mục tiêu đã được phê duyệt.