Hai hộ nhận một con bò!
Dự án nâng cấp quốc lộ 217 từ huyện Hà Trung, qua Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Bá Thước đến cửa khẩu Na Mèo, huyện Quan Sơn giai đoạn 2 (bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2018) có tổng nguồn vốn hơn 80,3 triệu USD (khoảng 1.717 tỷ đồng), trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là hơn 73,3 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ.
Khi dự án triển khai, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn có quốc lộ 217 đi qua đã bị ảnh hưởng. Vì thế, trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng, dự án có một nội dung được các hộ dân bị ảnh hưởng quan tâm là Chương trình phục hồi thu nhập.
Ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Bá Thước cho biết, Chương trình phục hồi thu nhập thuộc dự án nâng cấp quốc lộ 217 nhằm mục đích tạo sinh kế cho người dân. Theo quy định của Chương trình, mỗi hộ dân bị ảnh hưởng, mất sinh kế sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng, được quy thành hiện vật; nếu giá trị hiện vật lớn hơn 10 triệu đồng, các hộ sẽ phải đối ứng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các hộ được hưởng hỗ trợ đều nhận trâu (nghé), hoặc bò. Ở huyện Cẩm Thủy, đầu năm 2020, 112 hộ dân ở xã Cẩm Bình được hỗ trợ đợt 1, nhưng chỉ có 52 con nghé được cấp. Nguyên nhân là do, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng, nhưng đơn vị cung ứng nghé bán trên 20 triệu đồng/con; hầu hết các hộ được hỗ trợ còn khó khăn nên chung nhau hai hộ mua một con để giảm số tiền đối ứng.
Còn tại huyện Bá Thước, ngày 21/3/2020, hàng chục hộ dân ở xã Ái Thượng cũng được hỗ trợ phục hồi thu nhập; phần lớn các hộ cũng phải “chung lưng đấu cật” hai gia đình mua một con bò vì giá bò dự án quá cao, trong khi chất lượng vật nuôi không “đáng đồng tiền bát gạo”.
Đơn cử, gia đình ông Bùi Văn Tiến và Trương Văn Chiên, thôn Thung Tâm, xã Ái Thượng sau khi bốc thăm cùng nhận được con bò đeo thẻ tai số 3; dù rất còi cọc nhưng vẫn được định giá 18 triệu đồng. “Tặc lưỡi” gộp tiền hỗ trợ của 2 gia đình, hai ông dắt bò về; trên đường về có “lái bò” ngã giá 6 triệu đồng để mua lại con bò vừa nhận.
Cấp bò… vãng lai!
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng hai nhà nuôi chung 1 con bò để phục hồi thu nhập do bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp quốc lộ 217 là phổ biến. Chỉ tính tại huyện Bá Thước, theo danh sách thì cả huyện có 1.100 hộ được hỗ trợ phục hồi thu nhập; tương ứng số tiền hỗ trợ là 10,1 tỷ đồng. Trong đó có hơn 600 hộ đăng ký hỗ trợ mua bò; tính đến ngày 26/3/2020 đã có hơn 300 hộ nhận bò về.
Nhưng các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án liệu có phục hồi được thu nhập hay không khi hai hộ nuôi chung một con bò? Đó là chưa kể, có người vừa nhận bò về xong thì bò đã lăn đùng ra chết!.
Hai anh em ông Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Đức tại xóm Thung Tâm, xã Ái Thượng (Bá Thước) chung nhau 20 triệu đồng để nhận bò ngày 21/3. Chiều 23/3, khi bò đang được chăn dắt thì bỗng nhiên khựng lại, không đi nổi nên phải khiêng về chuồng; đến sáng 24/3, bò lăn đùng ra chết.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển chiều 26/3, ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Bá Thước, xác nhận trường hợp bò dự án vừa nhận về thì đã lăn ra chết ở thôn Thung Tâm. Ông khẳng định, hôm nay (27/3), huyện sẽ có chỉ đạo để xác minh những vấn đề liên quan đến việc triển khai Chương trình phục hồi thu nhập trên địa bàn huyện.
Rõ ràng, việc các địa phương sớm xác minh những vấn đề liên quan đến việc triển khai Chương trình phục hồi thu nhập thuộc dự án nâng cấp quốc lộ 217 là rất cần thiết; nhất là làm rõ vì sao giá bò, nghé lại quá cao hơn giá thị trường khiến hai nhà phải nuôi chung 1 con. Nếu không làm rõ được thì với tình trạng này làm sao có thể tạo sinh kế, phục hồi thu nhập cho người dân bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, việc một con bò dự án ở xã Ái Thương (Bá Thước) bỗng nhiên lăn ra chết cũng là vấn đề cần được rà soát lại. Bởi theo tìm hiểu phóng viên, việc cấp bò dự án được giao cho một trang trại ở xã Ban Công; trang trại này lấy bò từ đâu thì… không ai biết?!.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện Bá Thước, khẳng định rằng, số trâu bò dự án được trang trại thu mua trên địa bàn huyện; mà tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bắt buộc đối với trâu bò ở Bá Thước hiện đã đạt 100%. Nhưng khi phóng viên hỏi căn cứ đâu để khẳng định số trâu bò trên được thu mua trên địa bàn huyện mà không phải địa phương khác thì ông Tâm cho rằng, đó là thông tin đơn vị cung ứng đưa ra.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, số bò từ trang trại của ông Mai Văn Thuấn ở xã Ban Công cấp cho người dân được tiêm 1 liều vắc xin lở mồm long móng (LMLM) và tụ huyết trùng vào ngày 25/1/2020; không thể hiện số thẻ tai trên giấy chứng nhận tiêm phòng. Khi đem cấp cho người dân, số trâu bò trên chưa được tiêm vắc xin LMLM lần 2, chưa lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá tỷ lệ bảo hộ theo đúng quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT.
Trong điều kiện nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid -19, việc phòng chống dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm phải được địa phương đặc biệt chú trọng, tránh “dịch chồng dịch”. Vậy vì sao khi cấp bò giúp người dân bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp quốc lộ 217 phục hồi thu nhập, UBND huyện Bá Thước lại lơ là như vậy? Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.