Qua tìm hiểu được biết, mỏ vàng Hòn Mò O có diện tích khoảng 42ha, bắt đầu khảo sát và thăm dò trữ lượng từ năm 1993. Trong quá trình khảo sát thăm dò, đơn vị thi công đã để lại hai đường hầm xuyên qua núi Hòn Mò O, mỗi hầm dài khoảng 50m. Năm 1995, sau khi kết thúc khảo sát, hai miệng hầm này được lấp lại. Đến tháng 9/2009, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư khai thác và chế biến vàng Hòn Mò O đối với Công ty Liên doanh khoáng sản Chúng Thao Hằng Tân, thì hai miệng hầm này được đào trở lại. Dự án khai thác có quy mô 165.000 tấn quặng/năm, diện tích mỏ là 25ha, thời gian hoạt động 30 năm. Thế nhưng, không hiểu sao doanh nghiệp này đã không thực hiện dự án.
Từ đó, khu vực này trở thành căn cứ của “vàng tặc”. Cao điểm nhất là từ năm 2012 đến năm 2014. Đặc biệt, khi có tin đồn có một vài người dân trúng đậm 35 lượng vàng, nên nhiều người lén lút đến núi Hòn Mò O tìm vận may. Theo chính quyền địa phương, thời điểm đó, mỗi ngày có khoảng 30-40 người, chủ yếu là dân địa phương vào khai thác vàng trái phép. Những người từng khai thác vàng ở đây đồn rằng, chỉ cần mang được một bao đất đá từ trong hầm ra thì cầm chắc trong tay 0,5-1 chỉ vàng. Chính vì vậy, nhiều người đã bất chấp nguy hiểm và sự ngăn chặn của chính quyền địa phương đến khu vực này để khai thác vàng, khiến tình hình an ninh trật tự ở khu vực này càng thêm phức tạp. Khi đó, chính quyền huyện Sông Hinh phải tổ chức nổ mìn phá sập các cửa hầm để ngăn chặn.
Một người dân sống gần khu vực mỏ vàng cho hay, hàng chục năm trước, lượng người kéo đến mỏ vàng rất đông từ nhiều tỉnh khác nhau. Nơi đây không khác gì thành phố, hàng quán, xe cộ ra vào tấp nập. “Nhờ đào vàng, nhiều người địa phương đổi đời, một số người nơi khác đến cũng đã chọn vùng núi này là nơi an cư lập nghiệp và tạo dựng gia đình. Tuy nhiên, cũng có không ít người đánh đổi tuổi thanh xuân, tệ nạn xuất hiện, thậm chí có người bỏ mạng vì vàng. Đã có tổng cộng 5 người chết vì sập hầm tại đây”, người dân này cho biết thêm.
Ông Nguyễn Mười (68 tuổi), sống gần núi Hòn Mò O chia sẻ: “Quê tôi ở An Nhơn (Bình Định), nghe đồn ở đây có vàng nên tôi vô đây đào vàng và lấy vợ người địa phương. Hai vợ chồng sinh sống bằng nghề phu vàng nhưng ba năm lại đây, chính quyền xã tổ chức bắt phạt nặng quá, tiền vàng kiếm được không đủ tiền phạt nên tôi và nhiều người dân khác bỏ nghề luôn”.
Sau nhiều năm không có doanh nghiệp nào được chính thức cấp phép khai thác mỏ vàng thì Công ty TNHH Xuất nhập khẩu khoáng sản Duy Tân xin được khai thác mỏ vàng Hòn Mò O. Dự án này đang trong giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Phú Yên xem xét phê duyệt.
Tuy doanh nghiệp mới chỉ xin chủ trương, nhưng người dân và chính quyền địa phương khá lo lắng về những hệ lụy tiếp tục có nguy cơ quay trở lại, nếu mỏ vàng này được cấp phép. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây lo lắng nói: “Khó khăn lắm chúng tôi mới quét sạch nạn khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng núi Hòn Mò O, giờ doanh nghiệp vào khai thác ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự khu mỏ vàng. Chủ trương của tỉnh thì chúng tôi thực hiện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ thủ tục đầu tư và quan trọng nhất là đảm bảo yếu tố môi trường không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sông, suối, đời sống sinh hoạt người dân địa phương, vì tại khu vực mỏ vàng trước đây chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Được biết, UBND tỉnh Phú Yên đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát chặt chẽ dự án khai thác mỏ vàng Hòn Mò O. Việc cho phép doanh nghiệp đầu tư, khai thác khoáng sản, giúp người dân có công ăn việc làm; tăng nguồn thu ngân sách địa phương là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, UBND tỉnh Phú Yên cần thận trọng, xem xét các yếu tố về an ninh và môi trường trước khi cấp phép.
PHƯƠNG LÊ