Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Minh Thu - 19:35, 07/09/2021

Ngày 7/9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội Khóa XV đã tổ chức Phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (viết tắt là Chương trình MTQG).

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm điều hành phiên họp. Tham dự có các Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương. Về phía Ủy ban Dân tộc (UBDT) có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh; đại diện một số vụ, đơn vị trực thuộc UBDT.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong việc xây dựng báo cáo thẩm tra, phục vụ cho cuộc họp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách cho vùng đồng bào DTTS , để phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Việc thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG là thể hiện sự chuyển biến của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm, triển khai, đầu tư cho sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

“Mục tiêu cuối cùng là lo cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, đồng bào DTTS được nâng lên”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Chương trình MTQG do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh trình bày khẳng định: Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã khắc phục những thách thức lớn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; kịp thời ban hành Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương; tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Chương trình MTQG. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu của ngân sách Trung ương, Chính phủ vẫn chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính dành ưu tiên cao nhất cho Chương trình MTQG.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình MTQG vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tiến độ chuẩn bị đầu tư Chương trình MTQG còn có sự chậm trễ; các Dự án, Tiểu dự án và nội dung của Chương trình MTQG đa dạng với nhiều định mức, nhiều chính sách khác nhau dẫn tới thách thức trong việc tổng hợp, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình; đội ngũ cán bộ cơ sở hạn chế về năng lực, thiếu đồng bộ về trang thiết bị phục vụ công việc; điều kiện tự nhiên trên địa bàn bị chia cắt, chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu... Vì vậy, quá trình giải ngân thực hiện các nội dung đầu tư của Chương trình tại các địa phương gặp nhiều thách thức, nhất là trong giai đoạn đầu.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nặng nề do tác động của dịch bệnh, Chính phủ sẽ tiếp tục kiên định thực hiện linh hoạt, hài hòa mục tiêu quyết liệt phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân kết hợp với ưu tiên phát triển KT-XH, đặc biệt chăm lo thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi gặp nhiều khó khăn, sớm hoàn thành phê duyệt Chương trình MTQG trong quý III/2021.

Báo cáo của Chính phủ đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đồng ý chủ trương, giao cho Chính phủ chủ động huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế để bổ sung nguồn lực tăng thêm cho triển khai thực hiện Chương trình; cho phép Chính phủ sử dụng cơ chế cấp phát toàn bộ đối với nguồn vốn vay ODA cho các địa phương.

Tại phiên họp, bà Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội đã báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ báo cáo Chính phủ 1 năm thực hiện Chương trình MTQG. Theo đó, Thường trực HĐDT cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh những nội dung cơ bản về kết quả đạt được, cũng như hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG. Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14, Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội phù hợp, hiệu quả, Thường trực HĐDT đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS; tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy nội lực của cộng đồng, người dân trong tham gia thực hiện Chương trình. Tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm…

Tại phiên họp, các đại biểu tham dự đánh giá cao quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG của Chính phủ, nhưng cũng bày tỏ băn khoăn về một số nội dung còn chậm trễ. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải trình về việc chưa ban hành Quyết định đầu tư Chương trình, nêu rõ được nguyên nhân khách quan, chủ quan. Có ý kiến cho rằng, các cơ quan Trung ương cần triển khai sớm các Quyết định, Nghị định có liên quan để Chương trình được triển khai sớm nhất. Chính phủ cần xác định rõ khó khăn (về nguồn lực, về những hạn chế, những thách thức) để có giải pháp sát thực, cụ thể, có lộ trình, theo từng mục tiêu của Nghị quyết 88, nhất là giải pháp về giải ngân vốn năm 2022. Về giải pháp, phải đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, quan tâm tạo sinh kế cho đồng bào DTTS; chú trọng phát huy bản sắc văn hóa các DTTS. Cần xem xét vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện Chương trình…

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh trình bày báo cáo Kết quả 1 năm thực hiện Chương trình MTQG
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh trình bày báo cáo Kết quả 1 năm thực hiện Chương trình MTQG

Thay mặt cơ quan Thường trực Chương trình MTQG, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại phiên họp và cho biết sẽ sớm bổ sung trong báo cáo những tồn tại, hạn chế, báo cáo Chính phủ những đề xuất thực tế, những yêu cầu theo Nghị quyết 120, sớm trình HĐDT của Quốc hội thẩm định bảo đảm lộ trình trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ, các bộ ngành đã tích cực triển khai Chương trình MTQG, đã đạt được một số kết quả bước đầu. Thường trực HĐDT đề nghị Chính phủ tiếp thu hoàn thiện báo cáo, tập trung đánh giá kỹ hơn những nguyên nhân của tồn tại, trách nhiệm, cơ chế vận hành của Ban Chỉ đạo, cơ quan chủ trì; xác định rõ giải pháp thực hiện trong 2021, năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện sớm các văn bản chỉ đạo, điều hành, bảo đảm tiến độ, đúng chủ trương của Bộ Chính trị, của Quốc hội. Chú trọng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể Nhân dân về Chương trình MTQG.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.