Chị Lý Thị Gến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cốc Lầy cho biết: Tổ hiện có 26 hội viên, tuổi từ 17 đến 50 tuổi. Các chị đều là những người nhiệt tình trong các hoạt động cộng đồng.
Dù chị em trong Tổ đều bận công việc làm nông, nhưng khi hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ đường biên mốc giới nên các chị em đều tham gia rất nhiệt tình, tự giác. Đã thành thông lệ, hàng tháng Tổ Phụ nữ thôn biên giới Cốc Lầy lại tập trung dọn dẹp vệ sinh tuyến đường liên thôn được Nhà nước đầu tư phục vụ dân sinh cũng như công tác tuần tra bảo vệ biên giới.
Thôn Cốc Lầy hiện có trên 70 hộ dân chủ yếu là người Mông và người Dao. Đời sống của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào gần 100ha chuối. Trước đây, khi chưa có hệ thống đường giao thông liên thôn, đường tuần tra biên giới nên việc tiêu thụ sản phẩm chuối của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, sản phẩm người dân làm ra chỉ bán được với giá rất thấp.
Từ khi Nhà nước làm tuyến đường tuần tra, hỗ trợ đầu tư đường liên thôn, giao thông đi lại thuận lợi, thương lái vào tận thôn thu mua chuối cho bà con, nên giá chuối cũng được nâng lên. Nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu cũng chính từ cây chuối.
Điển hình như gia đình chị Phàn Mùi Sến có hơn 5ha trồng chuối. Trước đây giá chuối thấp, nên tằn tiện gia đình chị cũng chỉ đủ chi tiêu. Từ ngày có đường giao thông, giá chuối tăng, gia đình chị đã có của ăn của để. Vụ chuối năm 2016 vừa qua, gia đình chị bán được gần 500 triệu đồng trừ chi phí cũng còn gần trăm triệu đồng.
“Bảo vệ đường biên, mốc giới mang lại rất nhiều lợi ích, vừa là phục vụ cho bộ đội biên phòng đi tuần tra biên giới, vừa là để thuận lợi phát triển kinh tế. Vì vậy, những chỗ nào đường bị lún, bị hư hỏng thì chị em cùng bảo nhau san lấp ngay không để hỏng nhiều sẽ khó sửa chữa”, chị Sến chia sẻ.
Được biết, hàng năm, với mỗi ki lô mét đường cũng có một nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng. Mặc dù không lớn, nhưng khi tham gia bảo dưỡng Tổ Phụ nữ trong thôn cũng có một nguồn để gây quỹ, duy trì hoạt động cũng như giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Vương Văn Minh, Chủ tịch xã Lùng Vai cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như Đồn Biên phòng Bản Lầu (đơn vị phụ trách xã biên giới Lùng Vai) đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ Phụ nữ bảo vệ đường biên mốc giới ở thôn Cốc Lầy. Các chị còn tuyên truyền vận động bà con trong thôn, nhất là với chị em phụ nữ không bỏ đi khỏi địa phương, khi phát hiện người lại trong khu vực biên giới kịp thời báo với lực lượng công an viên, bộ đội biên phòng kịp thời xử lý... Qua đó, đã góp phần giữ vững an ninh biên giới.
Đặc biệt, “cho đến thời điểm này thôn Cốc Lầy không còn hộ đói, số hộ khá giả tăng nhanh, mặc dù cách xa trung tâm xã nhưng đây là một trong những thôn điển hình của xã Lùng Vai chúng tôi ông minh cho biết thêm.
TRỌNG BẢO