Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tham gia đầu tư truyền tải điện: Nên để doanh nghiệp chia sẻ gánh nặng với quốc gia

Lê Vũ (CĐ) - 16:56, 12/12/2021

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ đề xuất sửa Luật Điện lực để cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện. Đây chính là lời giải cho bài toán vướng cơ chế đã tồn tại trong thời gian qua, mở đường cho doanh nghiệp tâm huyết có thể san sẻ gánh nặng đầu tư với nhà nước.


Đường dây 500KV nối liền hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận
Đường dây 500KV nối liền hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận

Chính phủ đã kịp thời gỡ vướng cơ chế

Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải đã được đề cập đến từ nhiều năm nay và được đánh giá là phương án hiệu quả, giúp giảm áp lực vốn đầu tư của Nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời đảm bảo việc phát triển đồng bộ giữa lưới điện và nguồn cung cấp điện. Tuy nhiên đến nay, việc để các đơn vị tư nhân tham gia vào lĩnh vực này vẫn còn nhiều trở ngại, trong đó nguyên nhân chính vẫn là vướng cơ chế. Tại điều 4 của Luật Điện lực hiện đang quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.” Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về hoạt động truyền tải bao gồm những hoạt động nào. Như vậy, theo quy định của Luật Điện lực, hiện Nhà nước vẫn độc quyền trong các khâu đầu tư và vận hành lưới điện truyền tải. Những bất cập này dẫn đến tình trạng đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp với phát triển nguồn điện và nhu cầu sử dụng điện trong thời gian vừa qua.

Vì thế, Chính phủ đề xuất sửa Luật Điện lực để cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây được xem là giải pháp căn cơ, để gỡ vướng về cơ chế tồn tại trong thời gian qua.

Cụ thể, thay mặt Chính phủ giải trình về đề xuất của dự thảo sửa đổi quy định của Luật Điện lực tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 8/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đối với nội dung sửa đổi Luật Điện lực, dự thảo quy định theo hướng "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ". Theo đó, các dự án lưới điện huyết mạch, quan trọng như đường dây cao áp 500 kV và siêu cao áp 800 kV sẽ do Nhà nước đầu tư. Còn đường dây truyền tải dưới 500 kV (như đường dây 100 kV, 220 kV) cho phép tư nhân tham gia.

"Việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán điện, an ninh hệ thống điện. Người dân cũng không phát sinh thêm chi phí. Còn doanh nghiệp Nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải, ước tính số tiền tiết kiệm đầu tư mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng, ông Diên cho hay.

Thi công, bảo trì tại Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500kV Thuận Nam -Vĩnh Tân
Thi công, bảo trì tại Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500kV Thuận Nam -Vĩnh Tân

Nên để doanh nghiệp chia sẻ gánh nặng với Nhà nước

Trên thực tế, một công trình tiêu biểu cho việc khai thác nguồn lực tư nhân tham gia xây dựng đường dây truyền tải sẽ bớt gánh nặng cho Nhà nước, đó là công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 KV tại tỉnh Ninh Thuận. Đây là dự án nhà máy điện kết hợp hệ thống truyền tải Quốc gia với cấp điện áp 500kV đầu tiên, do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng tại Việt Nam.

Cuối năm 2020, Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam – Vĩnh Tân được đưa vào hoạt động, trở thành thí điểm đầu tiên cơ chế cho phép doanh nghiệp đầu tư hạ tầng truyền tải điện. Đồng thời, trở thành một mắt xích trong hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Trong hơn 1 năm vận hành ổn định, Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam – Vĩnh Tân đã truyền tải hiệu quả hơn 2.5 tỉ kWh, góp phần rất lớn đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cũng như hiện thực hóa quyết tâm tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đối với tầm nhìn chiến lược năng lượng tái tạo 2030-2045

Được biết, sau phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết, tán thành bổ sung dự án Luật Điện lực vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2021. Dự án luật sửa đổi sẽ được trình theo thủ tục rút gọn để Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.