Thực tế cho thấy, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các đối tượng cầm đầu đạo lạ, tà đạo đã truyền bá, lôi kéo người dân tin theo, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, lệch lạc về văn hóa, xâm hại đạo đức xã hội, gây mất đoàn kết với các tôn giáo truyền thống. Không dừng lại đó, các hoạt động này còn tạo cơ hội cho các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền về tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng, ly khai nhằm chống chính quyền…
Một trong những tổ chức, hội nhóm tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật phải kể đến trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là Ân điển cứu rỗi, tập trung chủ yếu trong cộng đồng người dân tộc Mông của tỉnh. Trong đó, xóm Đồng Giong, xã Phương Giao (Võ Nhai) được xem là điểm nóng, với 10 hộ dân và 49 nhân khẩu tham gia. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật như: Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, Bà Cô Dợ, Đạo Bà Sính… với mục đích thu lợi bất chính.
Nhằm kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm. Đơn cử, tại Võ Nhai, cuối năm 2022, cơ quan chức năng đã phối họp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động 4 trường hợp cam kết từ bỏ, không tin theo tổ chức Bà Cô Dợ.
Hay như tại xóm Lân Quan và Mỏ Ba xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, để đấu tranh với Đạo Bà Sính, các lực lượng chức năng cũng đã thành lập các Tổ công tác với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ Người có uy tín để tuyên truyền, vận động các đối tượng bị ảnh hưởng bởi "Đạo Bà Sính" tuân thủ pháp luật, không lôi kéo, không kích động quần chúng Nhân dân gây mất an ninh trật tự"…
Là một trong những người được bà con tín nhiệm bầu làm Người có uy tín từ năm 2016, ông Trần Văn Hồ, Trưởng xóm Lân Quan cho biết, ông đã thường xuyên cùng các Tổ công tác đến từng nhà tuyên truyền, vận động đồng bào không tin, không theo đạo lạ. Đồng thời, vận động bà con cùng nhau chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng xóm làng văn minh. Nhờ đó, từ cuối năm 2023 trở lại đây, đã có 100% hộ dân (9 hộ và 42 nhân khẩu) trên địa bàn 2 xóm ký cam kết với chính quyền địa phương từ bỏ "Đạo Bà Sính" và không theo "tà đạo, đạo lạ"...
Cùng với việc đẩy mạnh đấu tranh với tà đạo, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt chú trọng việc triển khai hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần đẩy lùi tà đạo trong vùng đồng bào DTTS.
Đơn cử, tại xóm Mỏ Ba - một trong những xóm khó khăn nhất của xã Tân Long. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện, xóm đã được thụ hưởng rất nhiều chính sách, Trong đó, nổi bật nhất là các chương trình, dự án như: Chương trình 135, Chương trình 102, Đề án 2037, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025… đã giúp đồng bào Mông nơi đây ổn định đời sống, từng bước vươn lên.
Anh Dương Văn Báo, dân tộc Dao, xóm Mỏ Ba phấn khởi cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách dân tộc, không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều hộ và cả xóm, xã được hưởng lợi như được hỗ trợ cây giống, được đầu tư công trình cấp nước sạch sinh hoạt, được hỗ trợ làm đường giao thông kiên cố…
Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết, những năm qua, tỉnh đã tập trung các nguồn lực phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là nhóm DTTS còn nhiều khó khăn và DTTS khó khăn đặc thù. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025).
Đến nay, 100% xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm, 99,79% xóm thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm có điện lưới quốc gia; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố… Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS cũng như ổn định tình hình an ninh trật tự tại cơ sở.