Thoát nghèo để nâng chất lượng dân số
Nhiều năm qua, việc đầu tư, hỗ trợ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân đã và đang được các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, bằng nhiều giải pháp, biện pháp khác nhau.
Có thể kể đến nguồn lực từ các Chương trình 30a, Chương trình 134, Chương trình 135; và nay là Chương trình MTQG 1719, Chương trình MTQG giảm nghèo, xây dựng NTM… triển khai trong nhiều thập kỷ qua cũng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt bản làng nông thôn miền núi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân hiện nay cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Minh chứng như, trước đây, nhà anh Lữ Văn Minh tại bản Đồng Minh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu rất nghèo. Cuộc sống chạy ăn từng bữa với 5 nhân khẩu, đất sản xuất ít, kỹ thuật chăn nuôi không có, kinh tế phụ thuộc vào những chuyến đi rừng… Nhưng dấu mốc đánh dấu việc thoát nghèo, là Minh được hỗ trợ một con bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ vào năm 2017. Được cán bộ địa phương động viên, khích lệ, hướng dẫn cách làm ăn, gia đình anh tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, chăm sóc con bò rất tốt.
Cùng với làm nương rẫy, chăn nuôi bò, gia đình còn trồng các loại cây ăn quả, cây hoa màu khác để nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Đầu năm 2019, gia đình đã thoát nghèo.
"Lâu nay, gia đình tôi đã không phải lo chạy từng bữa ăn nữa, mà cũng đã có tiền để sắm sanh vật dụng sinh hoạt, rồi hằng ngày mua thêm thức ăn thịt cá cải thiện bữa ăn đủ chất hơn cho các con ”, anh Lữ Văn Minh bộc bạch.
Hay như ở xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn), sau trận lũ quét lịch sử năm 2022, cùng với nguồn vốn đầu tư của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) kết hợp các nguồn vốn khác, huyện Kỳ Sơn đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con các bản Hòa Sơn, Sơn Thành bằng việc xây dựng mô hình sản xuất rau sạch trên đồi.
Với mô hình này bản Hòa Sơn đã có 11 hộ gia đình tham gia mô hình như trồng dưa siêu quả, bầu siêu ngọn và kết hợp với chăn nuôi cá, lợn đen, gà đen, bò. Trong vụ đông xuân 2022-2023, nhiều hộ đã có thu nhập khá.
Điển hình như gia đình ông Vi Văn Dũng (bản Hòa Sơn) đã cải tạo hơn 2000 mét vuông vườn để trồng trồng dưa, rau, bầu, bí…; ngoài ra, ông còn cải tạo hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn, bò, ao cá, tổng thu nhập vụ đông xuân vừa qua (trừ thu thập từ chăn nuôi bò), gia đình ông thu về gần 40 triệu đồng.
Câu chuyện của anh Minh, ông Dũng chỉ là một trong rất nhiều ví dụ thoát nghèo ở vùng miền Tây xứ Nghệ, từ các chương trình được hỗ trợ và người dân là đối tượng thụ hưởng. Kinh tế được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên, cũng kéo theo chất lượng dân số có nhiều chuyển biến hơn.
Những chuyển biến trong đời sống kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An đã được thể hiện qua những thông số cơ bản về tỷ lệ hộ nghèo, về chất lượng cuộc sống… Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2022 của vùng đồng bào DTTS&MN giảm 3,74%.
Toàn tỉnh có 97,71% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 80,8% trường lớp được kiên cố; 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố, 91,31% đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 99,5% trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường; 97,03% số người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông; 100% trạm y tế xã đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT...
Những kế hoạch dài hơi
Thực tế, đồng bào DTTS Nghệ An chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi cao, các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa; có nhiều khó khăn về giao thông, phát triển sản xuất; các dịch vụ y tế, các điều kiện về giáo dục, văn hóa… bị hạn chế. Do đó, việc nâng cao chất lượng cuộc sống nâng lên, đồng nghĩa với việc nâng chất lượng dân số sẽ rất khó khăn, không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết được.
Từ thực tế đó, những năm qua, mục tiêu mà ngành Y tế Nghệ An đang hướng đến nhằm nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN, chính là cải thiện sức khỏe của người DTTS về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác Y tế cơ sở để đồng bào DTTS từng bước được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS&MN.
Ngành Y tế cũng phấn đấu đến năm 2025, tại các xã khu vực III vùng đồng bào DTTS&MN có triển khai can thiệp, sẽ có 25% nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; có 20% bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh; có 25% trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc sơ sinh; có 60% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; tăng thêm 60% người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình tại các xã có triển khai chiến dịch; 100% khoa sản tại các bệnh viện tuyến tỉnh có truyền thông, tư vấn về bệnh Thalassemia; có ít nhất 10% cán bộ y tế, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, người có ảnh hưởng đến cộng đồng được nâng cao nhận thức về bệnh Thalassemia.
Theo ông Phan Văn Huê, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục DS-KHHGD tỉnh Nghệ An, với điều kiện thực tế về đời sống kinh tế-xã hội của người dân hiện nay, để đạt được các mục tiêu trên cũng không phải là dễ. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Nhà nước bằng các chương trình, dự án chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay, thì các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dân số bao gồm: phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, môi trường và các yếu tố khác như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… sẽ được cải thiện. Và như vậy, chắc chắn chất lượng dân số sẽ được nâng lên cao.
"Song song với những hoạt động mà các cấp chính quyền đang thực hiện, như việc cải thiện sinh kế, mở hướng thoát nghèo, đầu tư hạ tầng cơ sở, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đầu tư cho giáo dục... cho người dân, ngành Y tế sẽ tranh thủ nguồn lực hỗ trợ triển khai hiệu quả các dự án về CSSK, nâng cao chất lượng dân số cho Nhân dân, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, suy nghĩ của người dân về CSSKSS, mặt trái của tảo hôn, sàng lọc trước và sau sinh, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, mất cân bằng giới…", ông Phan Văn Huê cho biết.
Hi vọng, với sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành; với nhiều giải pháp, biện pháp thực hiện; chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ sẽ từng bước được cải thiện./.