Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tết Gioi của đồng bào Mường huyện Tân Sơn, Phú Thọ

PV - 17:38, 08/02/2022

Ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm (mùng 8 Tết) đồng bào Mường xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) lại tổ chức Tết Gioi truyền thống. Tết Gioi theo phong tục của người Mường nơi đây là Tết lại, cũng có nghĩa là Tết xuống đồng, bắt đầu một năm làm việc mới.

Biểu diễn múa Mỡi ở khu Cón, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn trong ngày Tết Gioi
Biểu diễn múa Mỡi ở khu Cón, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn trong ngày Tết Gioi

Tết Gioi có tự bao giờ, người dân nơi đây cũng không còn nhớ rõ. Nhưng theo các cụ cao niên kể lại, thì ngày trước, người Mường ở Thu Cúc thường bắt đầu ăn Tết từ 23 tháng Chạp. Ngày này, mọi người trong làng đi tảo mộ, dọn dẹp đình làng để chuẩn bị đón Xuân và bắt đầu những hoạt động vui chơi ngày Tết như ném còn, chơi đu, chọi gà, vật truyền thống…

Cũng có cụ già kể lại, Tết Gioi còn được tổ chức là để dành cho những người con đi chiến trận mà trong dịp Tết không kịp về sum họp cùng gia đình. Vì thế ngày Tết Gioi nơi đây được tổ chức như ngày Tết Nguyên đán.

Ngày Gioi là ngày huyền bí và kiêng kỵ gắn với mùa màng mà người dân làm nông nghiệp ở Mường Cúc tin vậy. Từ xa xưa, cứ đến ngày Gioi thì bất cứ già trẻ, gái trai ở đây khi ra đường đều phải đội mũ hoặc nón, họ tin rằng đội mũ nón sẽ tránh được sao Gioi trên trời chiếu xuống và như vậy mùa màng năm đó sẽ được tươi tốt. Hiện nay phong tục đội mũ nón khi ra đường trong ngày Tết Gioi không còn nữa, nhưng nhà nào cũng tổ chức gói bánh chưng như những ngày giáp Tết Nguyên đán. Sau Tết Gioi ai có việc ở xa thì tiếp tục lên đường, những người ở lại quê hương cũng bắt đầu công việc đồng áng.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Tết Gioi xã Thu Cúc không tổ chức tập trung, chỉ các bậc cao niên và đại diện khu dân cư tham gia rước Vía Lúa, sau đó mang về làm hạt giống của từng khu, mỗi khu tổ chức vui chơi tại Nhà văn hóa, vẫn có các hoạt động diễn xướng dân gian nhưng không tổ chức giao lưu giữa các khu với nhau để bảo đảmcông tác phòng chống dịch.

Cũng sau ngày Tết Gioi, người nông dân mới bắt đầu với công việc đồng áng của mình. Với ý nghĩa từ cầu mùa màng tươi tốt của Tết Gioi mà từ năm 2008, lãnh đạo huyện Tân Sơn đã chọn ngày Tết Gioi để làm ngày lễ xuống đồng của toàn huyện. Việc kết hợp những lễ hội truyền thống gắn với sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã trở thành nét văn hóa giàu bản sắc và đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi để đồng bào dân tộc Mường xã Thu Cúc nói riêng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Tân Sơn nói chung phấn khởi bước vào một năm mới với nhiều niềm tin mới./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.