Chiều 28/1, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) nhận định: "Vừa qua, chúng ta mới chỉ xét nghiệm 1 lần đã phát hiện tới gần 100 bệnh nhân, phải hết sức cảnh giác nếu con số bệnh nhân có thể tăng lên nhiều lần trong những ngày tới. Thời điểm này, tất cả người dân, các bệnh viện, các bộ ngành, các Sở Y tế, phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Đặc biệt, các bệnh viện cần phải làm chặt chẽ công tác phòng dịch hơn nữa".
Theo đó, đối với các bệnh viện, cần tăng cường ngay tại cổng các biển báo sẵn sàng đón tiếp tất cả các bệnh nhân theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; các cơ sở y tế phải thực hiện sàng lọc ngay khi người bệnh bước chân vào cổng bệnh viện.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, vừa qua, rất nhiều bệnh viện để bệnh nhân lọt vào bên trong, như khu vực phòng bảo vệ, khu gửi xe; sau đó mới quay lại khu sàng lọc. Như vậy là sai quy trình. Ngay từ khi người bệnh tiếp xúc với bảo vệ là đã có nguy cơ lây nhiễm, tiếp xúc với khu để xe thì nguy cơ còn cao hơn; thậm chí có các trường hợp đi ô tô đi thẳng vào trong, đi khắp bệnh viện… Tất cả những trường hợp này cần phải rút kinh nghiệm, các cơ sở y tế không được phép cho người dân vào khu vực tập trung khám bệnh nếu chưa sàng lọc. Bên cạnh đó, việc phân luồng, tổ chức cách ly, phát hiện sớm, xét nghiệm… cũng phải thực hiện chặt chẽ.
Các cơ sở y tế cũng phải phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương thực hiện xét nghiệm sớm với tất cả các trường hợp tại đơn vị; tổ chức điều trị, phân luồng những bệnh nhân COVID-19 nặng và những bệnh nhân không có diễn biến nặng phù hợp. Trong giai đoạn trước, công tác điều trị người bệnh COVID-19 đã khẳng định nguyên tắc, đối với những bệnh nhân không có diễn biến nặng thì có thể giữ bệnh nhân điều trị ở tuyến huyện. Hiện tại, 645 bệnh viện huyện hoàn toàn có thể điều trị được. Mặc dù vậy, các cơ sở y tế vẫn phải chuẩn bị để phân luồng và xác định tuyến điều trị luôn sẵn sàng.
Đặc biệt, thời điểm này, việc kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo với cán bộ y tế rấtquan trọng. Trong giai đoạn đầu của dịch, Việt Nam đã thực hiện rất tốt khi không có bệnh nhân nào tử vong, không có thầy thuốc tử vong, chỉ có 4 trường hợp lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế. Giai đoạn này, các bệnh viện cần phải quyết liệt ngay từ đầu, những bộ phận tiếp xúc ban đầu với người bệnh phải được cung cấp đầy đủ quần áo, mũ, khẩu trang, kính các điều kiện phòng hộ đầy đủ. Tiếp theo là các khoa Hồi sức cấp cứu, hô hấp… Cán bộ y tế chăm sóc người bệnh phải được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ; tuyệt đối không thể vì sợ thiếu mà để ảnh hưởng đến cán bộ y tế, vì không có thầy thuốc thì không thể chữa trị được cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng phải xem xét lại trang thiết bị máy móc, máy thở, các thuốc men dự trữ đề phòng các phương án, kịch bản ở các địa phương để sẵn sàng đáp ứng. Với những vấn đề cần chi viện Bộ Y tế, Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) sẽ giúp đỡ nếu các cơ sở y tế cần hỗ trợ.
“Chúng ta có niềm tin và hy vọng sẽ tiếp tục kiểm soát được dịch COVID-19 dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sự chỉ đạo của Chính phủ khi tất cả cùng nhau tiếp tục đoàn kết như giai đoạn vừa qua. Tất cả trí tuệ Việt Nam sẽ được tập hợp để cùng tập trung điều trị cho người bệnh COVID-19, phấn đấu giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong, tập trung được tất cả những gì tốt nhất điều trị thắng lợi cho những bệnh nhân nặng nhất”, ông Lương Ngọc Khuê khẳng định.