Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tập trung công sức, trí tuệ hoàn thiện văn kiện quan trọng của Đại hội XIV

PV - 13:15, 30/08/2024

Sáng 30/8, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho ý kiến vào các văn kiện: dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam và một số nội dung khác để chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự cuộc họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự cuộc họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tham dự Hội nghị, còn có đại diện lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành liên quan.

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, đánh giá các văn kiện đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu có chọn lọc ý kiến đóng góp của các phiên họp trước, cơ bản đủ điều kiện để trình Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII sắp tới.

Chất lượng bản dự thảo Báo cáo chính trị lần này so với bản dự thảo trình Thường trực Tiểu ban Văn kiện vừa qua đã được nâng lên rõ rệt; các nội dung tổng kết 40 năm đổi mới súc tích hơn, tiếp thu được những kết quả mới nhất từ dự thảo Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới và báo cáo của các tiểu ban khác; các nội dung về định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược cũng được trình bày gọn, rõ ràng, mạch lạc hơn trước.

Nhấn mạnh Đại hội lần thứ XIV của Đảng là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước và dân tộc ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đại hội sẽ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030); hướng tới mốc son 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tạo nền tảng để hiện thực hoá tầm nhìn đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trước những dấu mốc có tính bước ngoặt đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân rất trông đợi, kỳ vọng lớn vào những quyết sách mới, mạnh mẽ và sáng suốt của Đảng để mang lại những đột phá phát triển cho đất nước. Do đó, Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV có ý nghĩa rất quan trọng, phải có chất lượng cao, thật sự là cơ sở định hướng cho các văn kiện khác và sự lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ tới, đặt nền móng cho những năm tiếp theo.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, với vị trí là Báo cáo trung tâm, Báo cáo chính trị phải thể hiện ở tầm quan điểm, chủ trương; phải bảo đảm sự kết tinh toàn bộ tinh hoa giá trị quá khứ, hiện tại và tương lai, thể hiện nghiêm túc sự chắt lọc kết quả tổng kết 55 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu - văn kiện mang giá trị lịch sử và thời đại của Việt Nam và thế giới, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bên cạnh đó, quá trình hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc những tư tưởng chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là ba nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng văn kiện: Kiên định và đổi mới; Kế thừa và phát triển; Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo tại cuộc họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương báo cáo tại cuộc họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đối với Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kết luận, cơ bản nhất trí những nhận định, đánh giá đã được tổng kết. Báo cáo đã hệ thống ngày càng đầy đủ, toàn diện, làm rõ sự phát triển lý luận của Đảng ta về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa qua 40 năm đổi mới; trong đó, đánh giá, làm rõ thành tựu, hạn chế trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên 4 nhóm vấn đề lớn (Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển văn hóa, xã hội và con người; Quốc phòng, an ninh và đối ngoại; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh).

Báo cáo đã chỉ ra một cách khái quát bước phát triển quan trọng trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó có việc đề xuất xác định 3 trụ cột, chính sách (Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo); nêu rõ thành tựu có ý nghĩa lịch sử, những hạn chế, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực biến đổi khó lường; làm rõ những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm.

Báo cáo cũng đã dự báo tương đối sát tình hình, đề xuất các mục tiêu, quan điểm, chỉ tiêu chủ yếu, định hướng nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Quang cảnh cuộc họp tại Trụ sở Trung ương Đảng. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Quang cảnh cuộc họp tại Trụ sở Trung ương Đảng. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Kết thúc cuộc họp, Bộ Chính trị cơ bản đồng ý những kết quả tổng kết 40 năm đổi mới là đầu vào quan trọng cho việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, như: Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước sau 40 năm đổi mới; những bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận về đường lối đổi mới; xác định hệ quan điểm chỉ đạo mục tiêu phát triển và các định hướng lớn trong xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, các đột phá chiến lược trong giai đoạn mới. Trong các văn kiện, Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, do đó, việc tiếp tục hoàn thiện Báo cáo phải được thực hiện khẩn trương, khoa học với sự đầu tư lớn về công sức, trí tuệ để kịp thời chắt lọc đưa vào nội dung các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu cân nhắc làm rõ, làm sâu sắc hơn một số vấn đề cụ thể; đồng thời thống nhất nhận thức về bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là sau 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đó đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Tinh thần là nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng, không bôi đen, đánh giá chính xác kết quả đạt được, thẳng thắn, khách quan chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là những điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển của đất nước chưa được hoặc chậm được tháo gỡ, khắc phục; tiếp tục kiên định sự nghiệp đổi mới đất nước.

Cũng trong sáng 30/8, Bộ Chính trị cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan chuẩn bị dự thảo các văn kiện khẩn trương tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban, bộ, ngành có liên quan, tiếp tục hoàn thiện các văn kiện bảo đảm chất lượng để chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII sắp tới.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.