Dự án sữa TH đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Phú Yên, Kon Tum. Tại An Giang, được xem là Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung và chế biến sữa công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực ĐBSCL.
Dự án được triển khai tại hai xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn), với quy mô đàn bò nuôi tập trung 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày. Cụm trang trại của TH tại An Giang cũng sẽ được thiết kế và vận hành với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới như quy trình chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại sử dụng hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến Afimilk (Israel); Quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; Quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan…
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ, việc triển khai dự án tại An Giang của Tập đoàn TH là bước đi tiếp theo của đơn vị trong chiến lược phát triển đàn bò sữa, giữ vững vị thế doanh nghiệp đứng đầu trong phân khúc sữa tươi, và muốn phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao ở ngay vùng biên giới Tây Nam. Trong chuỗi sản xuất khép kín của Tập đoàn TH, nông dân sẽ tham gia vào khâu trồng cây nguyên liệu thức ăn thô xanh cho bò sữa, năng suất và giá trị trên một đơn vị canh tác sẽ được tăng lên đáng kể. Dòng sữa tươi từ trang trại TH tại An Giang sẽ góp phần tăng số lượng, chất lượng nguồn cung sữa tươi cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và hướng tới xuất khẩu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, dự án hôm nay là khởi đầu cho một mùa xuân mới trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Phó Thủ tướng đánh giá cao Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn TH đầu tư thực hiện dự án và dự án được triển khai với định hướng phát triển bền vững gắn lợi ích của doanh nghiệp với cộng đồng, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm từng bước nâng cao đời sống thu nhập của người dân.
Phó Thủ tướng tin tưởng và nhấn mạnh, An Giang và ĐBSCL sẽ có nhiều dư địa phát triển chăn nuôi trong đó có bò thịt và bò sữa. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành chăn nuôi bò sữa chưa phát triển vì nhiều lý do, mô hình chăn nuôi bò sữa của TH sẽ trở thành mô hình điển hình, có quy mô lớn nhất ĐBSCL.
Về hình mẫu, mô hình này sẽ thành công, góp phần, đồng hành với Chính phủ hoàn thành mục tiêu 500.000 con bò sữa trên cả nước sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Để dự án triển khai đúng tiến độ và hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ An Giang và tập đoàn TH triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các bộ ngành liên quan và địa phương tạo điều kiện liên kết sản xuất, cung ứng, phân phối, tiêu thụ sữa, sản phẩm sữa trong thời gian tới, bảo đảm phát triển bền vững và hiệu quả, xây dựng các văn bản pháp quy, hình thành quỹ đất công làm nền tảng.
Về phía chủ đầu tư, tập trung nguồn lực, chỉ đạo thi công, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sớm hoàn thành kế hoạch, bảo đảm yêu cầu chất lượng xây dựng các công trình. Chú trọng thực hiện công tác bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công không gây ảnh hưởng đến hoạt động các tổ chức và sinh hoạt của người dân trong khu vực. Đồng thời, lưu ý tạo điều kiện làm việc cho bà con đã chia sẻ nhường đất cho dự án, để cùng nhau phát triển bền vững.
Cũng trong sáng 27-2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo tỉnh An Giang và Tập đoàn TH đã tham gia lễ phát động Tết trồng cây tại khu di tích cách mạng Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn.