Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa). Xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thống kê và định kỳ thống kê, phân loại nguyên liệu nhựa được sử dụng trong sản xuất, tiêu dùng và chất thải nhựa; xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng nhựa và chất thải nhựa trên phạm vi toàn quốc; thực hiện các nghiên cứu về thực trạng, xu hướng phát sinh và công tác quản lý chất thải nhựa. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập khu công nghiệp tái chế tập trung theo quy định của pháp luật để hình thành ngành công nghiệp, thị trường tái chế.
Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nilon.