“Đi trước” để xác định trúng nhu cầu
Trương Lương là xã khu vực III của huyện Hòa An. Toàn xã có 9 xóm thì có 8 xóm đặc biệt khó khăn; quy mô dân số có 815 hộ (chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao) thì có 380 hộ nghèo và cận nghèo. Trung Lương có địa hình rộng, bị chia cắt, dân cư sống rải rác; một số xóm ít đất canh tác, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Hạ tầng kinh tế, điều kiện phát triển sản xuất còn hạn chế đã đành, nhưng một trong những vấn đề bức thiết nhất ở xã Trương Lương là nhà ở kiên cố. Vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong tổng vốn được phân bổ 4,2 tỷ đồng thì xã Trương Lương ưu tiên bố trí 720 triệu đồng để hỗ trợ các hộ có nhu cầu cấp bách về nhà ở.
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Trương Lương, thu nhập bình quân toàn xã hiện chưa đạt 19 triệu đồng/người/năm. Ngoài thu nhập thấp thì sự thiếu hụt chỉ số dịch vụ xã hội về nhà ở khiến tỷ lệ hộ nghèo ở xã Trương Lương chiếm xấp xỉ 40,8% tổng số hộ. Vì vậy, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND xã, một trong những kiến nghị của cử tri là quan tâm hỗ trợ giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các hộ khó khăn nhất.
“Qua khảo sát thực tế trước khi xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình MTQG 1719 để đề xuất lên huyện, lên tỉnh, xã xác định, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu thì trước mắt cần ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở cho hộ có nhu cầu”, ông Thịnh chia sẻ.
Cũng như xã Trương Lương của huyện Hòa An, trước khi xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719, các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã thực hiện các cuộc khảo sát thực tế, lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Những cuộc “thăm dò” này đã giúp các địa phương đưa ra “phác đồ” chuẩn xác, ưu tiên nguồn lực Chương trình MTQG 1719 để giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết nhất của đồng bào DTTS trên địa bàn.
Theo ông Bế Văn Hùng, việc khảo sát trước khi xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung chính sách trong Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với đặc thù dân số của tỉnh có tới 95% là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tất cả các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đều thuộc vùng DTTS và miền núi, đại đa số đều thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.
“Nguyên tắc triển khai Chương trình MTQG 1719 là đầu tư trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên địa bàn khó khăn nhất, tập trung giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất của đồng bào DTTS. Do đó, công tác khảo sát nhu cầu trước khi thực hiện không chỉ có ý nghĩa mở đường mà còn quyết định đến việc hoàn thành các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719”, ông Hùng cho biết.
“Đi trước” để dự báo
Giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh Cao Bằng có 126/161 xã khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được bố trí nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 để triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ. Nhưng trên thực tế, nhiều địa bàn nằm ngoài phạm vi đầu tư của Chương trình MTQG 1719 của tỉnh Cao Bằng vẫn cần nguồn lực để giải quyết các nhu cấp bức thiết trong đời sống của Nhân dân.
Đơn cử tại huyện Bảo Lạc, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, toàn huyện có 15/17 xã khu vực III; có thị trấn Bảo Lạc và xã Huy Giáp thuộc khu vực I, không thuộc diện đầu tư của Chương trình MTQG 1719. Nhưng điều kiện kinh tế - xã hội của 02 địa phương này trên thực tế đang rất khó khăn, hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ.
Tại xã Huy Giáp, ngày 02/8/2024, Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG huyện Bảo Lạc đã tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng kinh tế trên địa bàn xã. Kết quả khảo sát cho thấy, hiện xã Huy Giáp cần nguồn vốn để đầu tư bê tông hóa đường liên thôn, ngõ với tổng chiều dài gần 56km; hỗ trợ kéo điện cho 69 hộ dân tại các xóm Lũng Pèng, Phiêng Vàng, Cốc Sỳ, Pác Lũng; sửa chữa đài truyền thanh và hệ thống loa tại các xóm; bố trí kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát; đầu tư xây dựng các hạng mục, trang thiết bị cho các trường học...
Còn tại thị trấn Bảo Lạc – địa bàn trung tâm của huyện, hiện hàng chục hộ dân ở xóm Nà Dương chưa có công trình nước sinh hoạt tập trung, luôn sống trong tình trạng không đủ nước cho sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, ở xóm Nà Dương, tuyến đường giao thông ở khóm Khuổi Mảng có mặt đường là đất đá; hiện bị mưa lũ bị xói mòn, mặt đường lồi lõm, trơn trượt gây khó khăn cho người dân lưu thông qua lại.
Những khó khăn của thị trấn Bảo Lạc và xã Huy Giáp đã được Đoàn giám sát Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng chỉ ra từ tháng 4/2023, trong quá trình giám sát việc thực hiện quy trình, thủ tục xác định xã khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi tại huyện Bảo Lạc. Theo đó, Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh đã xác định, xã Huy Giáp và thị trấn Bảo Lạc tuy thuộc khu vực I, nhưng còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn yếu; cần có chính sách đặc thù ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, với phương châm ưu tiên bố trí vốn giải quyết những nhu cầu cấp bách nhất của đồng bào DTTS trên địa bàn, ngày 07/3/2024, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện Bảo Lạc đã có Công văn số 282/CV-BCĐ đề nghị UBND thị trấn Bảo Lạc xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 để đầu tư, hoàn thiện công trình cấp nước tập trung tại xóm Nà Dương; dự toán tổng kinh phí đầu tư là 885 triệu đồng. Hiện công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xóm Nà Dương đã giải ngân được 375 triệu đồng; thời gian tới cần được bố trí thêm 510 triệu đồng để hoàn thiện.
Từ thực tế ở thị trấn Bảo Lạc cho thấy, việc giám sát thực trạng kinh tế - xã hội ở các địa bàn vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển để ưu tiên triển khai các chương trình, dự án có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện một trong mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 là giải quyết các nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS. Công tác khảo sát, đánh giá thực trạng trước khi xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung chính sách được chú trọng là tiền để để phát huy vai trò giám sát của các cấp, các ngành, của người dân trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án của Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Chương trình MTQG 1719 được triển khai ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách nhất ở vùng DTTS. Để các nội dung chính sách triển khai đúng địa bàn, trúng đối tượng thụ hưởng, tỉnh Cao Bằng đã chú trọng công tác khảo sát tại cơ sở trước khi triển khai thực hiện.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.