Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện công tác dân tộc

PV - 22:20, 16/01/2019

Ngày 16/1/2019, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp hoạt động giữa 4 cơ quan. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự, chỉ đạo Hội nghị.

Dân tộc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và lãnh đạo các cơ quan phối hợp chụp ảnh lưu niệm.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Hoàng Xuân Chiến; các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Hoàng Thị Hạnh, Y Thông; lãnh đạo các cơ quan phối hợp…

Báo cáo sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa 4 cơ quan do Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày tại Hội nghị cho thấy: 4 cơ quan đã phối hợp xây dựng, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách về an ninh, quốc phòng, biên giới quốc gia. Trong 3 năm, 2016-2018, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 chương trình, chính sách; trong đó có 15 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS, vùng dân tộc và 36 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74/2018/QH14, giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2019).

Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng liên quan đến vùng DTTS, miền núi, biên giới, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương ban hành các chủ trương, chính sách về an ninh, quốc phòng. Các cơ quan đã phối hợp trong kiểm tra, giám sát, khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS gắn với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phối hợp xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vùng DTTS, miền núi, biên giới. Phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, trao đổi thông tin…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị.

Thời gian tới, 4 cơ quan tiếp tục phối hợp xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật theo nội dung, quy chế phối hợp; giám sát, khảo sát, kiểm tra một số vấn đề lớn về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, miền núi, vùng đồng bào DTTS; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bào DTTS, miền núi…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh những kết quả đạt được trong công tác phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị vùng DTTS, miền núi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết: Ủy ban Dân tộc tán thành với tất cả những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tổ chức thực hiện tất cả các nội dung phối hợp trong chương trình công tác của 4 cơ quan. Ủy ban Dân tộc rất mong muốn được các đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội quan tâm, giám sát, giúp đỡ cho ý kiến để thực hiện đạt kết quả cao nhất những việc, như: Quốc hội thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn để thực hiện từ năm 2021. Trước mắt bố trí nguồn lực thực hiện các đề án chính sách đã ban hành có hiệu lực đến hết năm 2020. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tạo sự đồng thuận để cấp có thẩm quyền quyết định hai đề án: Xây dựng bộ tiêu chí phân định vùng DTTS, miền núi; đề án xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và bảng danh mục thành phần các DTTS Việt Nam. Theo kế hoạch năm 2019, Trung ương sẽ tổng kết Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc rất mong muốn nhận được các ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội để có thêm căn cứ tham mưu cho Chính phủ và Trung ương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm tin tưởng, sau Hội nghị, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, các cơ quan phối hợp sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp. Hướng tới sự phát triển toàn diện của vùng DTTS, miền núi, sự bình yên, hạnh phúc của người dân.

Toàn cảnh Hội nghị Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những kết quả công tác phối hợp của các cơ quan thời gian qua; khẳng định những nỗ lực hướng về cơ sở, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn luật pháp quy định, đều hướng tới mục tiêu chung là góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS; giữ vững sự ổn định chính trị, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và  xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng biên giới, bảo vệ hòa bình, ổn định hữu nghị, hợp tác.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị 4 cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, nhất là những chính sách đặc thù; phối hợp giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2012-2018” gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; phối hợp tham mưu xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình hướng về cơ sở, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân; các cơ quan luân phiên tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá sâu các chuyên đề về tình hình dân tộc, công tác dân tộc, an ninh vùng dân tộc và miền núi, công tác biên giới…

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.