Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

“Tảng băng du lịch” của thế giới đã bắt đầu tan chảy

Duy Ly - 17:04, 09/05/2022

Sau hơn 2 năm hoành hành, bức tranh về “đại dịch toàn cầu” COVID-19 đã có nhiều thay đổi. Nhiều nơi trên thế giới cuộc sống đã và đang trở lại bình thường, các lĩnh vực đang dần phục hồi trong đó có ngành du lịch.

Thành phố Zagreb ra mắt nền tảng Thành phố thông minh Zagreb
Thành phố Zagreb đã ra mắt nền tảng Thành phố thông minh Zagreb

Trước khi biến thể Omicron xuất hiện, nhiều nước đã mở đón khách quốc tế. Nhưng vào giai đoạn đó, nhiều người vẫn e ngại việc xuất ngoại vì vướng các hạn chế về cách ly, giấy tờ, thủ tục khi nhập cảnh. Họ cũng lo lắng về nguy cơ nhiễm COVID-19 khi đi du lịch, và phải chi trả bảo hiểm y tế cao.

Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, các quốc gia lần lượt mở cửa, miễn cách ly, thậm chí không cần giấy xét nghiệm âm tính… về cơ bản không còn hạn chế nào khi nhập cảnh.

Châu Âu

Nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, châu Âu là khu vực đi đầu trong việc mở cửa cho du khách quốc tế. Từ ngày 1/3, Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc tiêm mũi tăng cường với những người đã tiêm quá 9 tháng. Người khỏi COVID-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận. Các quy định đã áp dụng với công dân thuộc EU sẽ có hiệu lực với tất cả công dân ngoài khối, tuy nhiên mỗi nước sẽ có thêm điều kiện khác nhau khi đón khách.

Ở Croatia, nơi du lịch chiếm 18% GDP của cả nước, Thành phố Zagreb đã phải tìm ra những cách thức mới và sáng tạo để giúp vực dậy lĩnh vực quan trọng này.

Mladen Kovačević, Cố vấn chuyên môn của Sở du lịch thành phố Zagreb giải thích: “Sau khi tận hưởng mức tăng trưởng mạnh mẽ và bền bỉ trong gần một thập kỷ, ngành du lịch nước này đã phải đón nhận “một cú đấm” vào năm 2020 khi lượng khách du lịch giảm 76%, trong đó lưu trú qua đêm giảm 70% so với năm 2019. Năm 2021, mặc dù chứng kiến ​​một quỹ đạo đi lên nhất định, nhưng so với thành công của những năm trước thì điều này vẫn không đáng kể”.

Tháng 1/2022, Cơ quan quản lý thành phố Zagreb đã ra mắt nền tảng Thành phố thông minh Zagreb. Theo ông Mladen Kovačević, một số dự án hiện đang được phát triển nhằm mục đích cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông công cộng. Ngoài các dự án của thành phố, những loại hình kinh doanh dịch vụ khác cũng góp phần thúc đẩy việc điều chỉnh các biện pháp y tế để hạn chế ảnh hưởng của đại dịch và tìm ra các giải pháp phù hợp để tiếp tục hoạt động trong bối cảnh mới.

Việc nới lỏng các biện pháp trên toàn châu Âu giúp nối lại các chuyến bay du lịch. Cùng với đó các sự kiện được lên kế hoạch cho năm 2022 và 2023 ngày một nhiều như các buổi triển lãm, hòa nhạc, hội chợ...

Mỹ

Mỹ là quốc gia mở cửa du lịch khá sớm. Ngay từ ngày 8/11/2021, Mỹ đã nới lỏng đáng kể các lệnh hạn chế nhập cảnh và bắt đầu cho phép những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh vào nước này. Tuy nhiên đến nửa cuối tháng 12/2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden lại áp đặt các quy định mới cứng rắn hơn yêu cầu các du khách hàng không quốc tế đến Mỹ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng một ngày kể từ khi đi du lịch.

Đại lộ Hollywood ở Los Angeles, California (Mỹ) điểm đến yêu thích của nhiều du khách
Đại lộ Hollywood ở Los Angeles, California (Mỹ) điểm đến yêu thích của nhiều du khách

Đến đầu tháng 5/2022, các hãng hàng không và công ty du lịch của Mỹ đang đề xuất loại bỏ yêu cầu xét nghiệm nội địa đối với những du khách đã tiêm phòng, trước sự phục hồi kinh tế chậm chạp của du lịch quốc tế ở nước này.

Vừa qua, hãng hàng không American Airlines, Carnival Corp, Tập đoàn khách sạn Marriott International, Công ty Disney Parks thuộc Walt Disney Co, Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội Du lịch Mỹ và các tổ chức khác đã cùng ký một bức thư gửi cho điều phối viên ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng Ashish Jha, trong đó nêu rõ: Với sự phục hồi kinh tế chậm chạp của các lĩnh vực kinh doanh và du lịch quốc tế, cũng như tiến bộ y tế và các chỉ số y tế công cộng được cải thiện ở Mỹ, chúng tôi khuyến khích loại bỏ yêu cầu xét nghiệm nội địa đối với những khách hàng không đã tiêm phòng. Hiện, Nhà Trắng vẫn đang xem xét về vấn đề này và sẽ đưa ra phương án tối ưu nhất để đưa ngành du lịch quay về đúng quỹ đạo, phục hồi nhanh nhất có thể.

Châu Úc

New Zealand đang chào đón khách du lịch khi đất nước mở cửa trở lại biên giới lần đầu tiên sau gần hai năm. Tuy nhiên, sự phục hồi đột ngột dường như chưa thể đem lại thay đổi lớn cho ngành công nghiệp không khói của nước này.

Theo cơ sở dữ liệu của Globaldata cho thấy, vào năm 2019, New Zealand đã đón nhận 3,88 triệu du khách quốc tế. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, con số này đã giảm xuống chỉ còn 0,99 triệu du khách quốc tế vào năm 2020 và hầu như “suy thoái” với 0,19 triệu du khách quốc tế vào năm 2021. Vào đầu tháng 5 vừa qua, quốc gia này đã mở cửa hoàn toàn đón du khách quốc tế - những người đảm bảo tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. Dù là một bước đi đúng hướng nhưng ngành du lịch của New Zealand vẫn còn một hành trình dài phía trước.

Việc phục hồi du lịch vẫn là một thử thách lớn đối với New Zealand
Việc phục hồi du lịch vẫn là một thử thách lớn đối với New Zealand

Theo kế hoạch năm bước hiện nay của Chính phủ New Zealand, những người có thị thực lao động và sinh viên đủ điều kiện sẽ được phép nhập cảnh vào đất nước này mà không yêu cầu kiểm dịch từ tháng 4/2022. Và từ tháng 10/2022, du khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới được tự do đến New Zealand 

Ông De Monchy, người đứng đầu ngành du lịch nước này cho biết, thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với ngành du lịch New Zealand và vẫn là trọng tâm chính. Ông dự đoán du khách Trung Quốc có thể quay lại New Zealand vào cuối năm nay, vì thời gian du lịch của khách Trung Quốc thường là tháng 12 và tháng Giêng. Còn đối với ngành du lịch New Zealand, một phần trong kế hoạch của họ là đẩy mạnh hoạt động thương mại du lịch với việc tổ chức đào tạo lên tới 80.000 đại lý du lịch để đảm bảo việc quảng bá đất nước trong thời kỳ hậu COVID-19.

Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang có những bước đi trở lại của ngành du lịch.

Trong bối cảnh người dân trong khu vực gần như không bị hạn chế bởi việc đi lại, Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 1,1 triệu lượt khách du lịch từ Đông Nam Á trong năm 2022. Theo ông Thanet Phetsuwan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) phụ trách tiếp thị vùng châu Á và Nam Thái Bình Dương, TAT đã hợp tác với hãng hàng không Thai AirAsia để thúc đẩy du khách quốc tế bằng cách đưa ra các chương trình khuyến mãi chung ở nhiều quốc gia nhằm thu hút ít nhất 18.000 chuyến du lịch trọn gói từ tháng 4 đến tháng 7.

Đối với Singapore, quốc gia đầy tiềm năng về phát triển du lịch đã dành gần 500 triệu đô la Singapore để phục hồi ngành du lịch nước này. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore Keith Tan, Singapore sẽ nỗ lực tạo ra sự khác biệt về du lịch so các nước điểm đến khác, theo đó chú trọng tạo ra các điểm du lịch và sự kiện thu hút khách du lịch mang tính bền vững và du lịch kinh doanh. Singapore gần đây đã mở cửa biên giới cho du khách đã tiêm chủng đầy đủ mà không cần xét nghiệm COVID-19 hay cách ly.

Cầu Vàng (Đà Nẵng) là điểm đến thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước
Cầu Vàng (Đà Nẵng) là điểm đến thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước

Tại Việt Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, việc Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3 là cơ hội vàng để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng. Các con số gần đây cho thấy, du lịch Việt có nhiều triển vọng phục hồi khi mở cửa trở lại.

Đặc biệt, Việt Nam hiện là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới, nên đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ.

Tại Diễn đàn Du lịch Việt Nam 2022 với chủ đề “Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới, Hành động mới” diễn ra vào tháng 4 vừa qua, Việt Nam cũng đã thảo luận về các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, phục hồi ngành du lịch trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30/1/2022.

Các chính sách trong Chương trình tập trung vào một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nền bởi đại dịch COVID-19, trong đó xác định năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về y tế, lao động, việc làm, doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng, cải thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong nhóm các nhiệm vụ, giải pháp này đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, phục hồi ngành du lịch cũng như các ngành, lĩnh vực khác trong năm 2022-2023.

Nhìn chung, xu hướng trong thời gian tới của đại đa số các quốc gia trên thế giới sẽ là nới lỏng các hạn chế về du lịch, trừ Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) và Western Australia (Australia) vẫn đang kiên định với chiến lược “Zero Covid” nghiêm ngặt... Và dù những trở ngại đối với ngành du lịch toàn cầu vẫn còn chồng chất, nhưng chính những nỗ lực thích ứng trong thời gian gần đây của các nước đã mang tới những tín hiệu lạc quan, được kỳ vọng sẽ góp phần làm “tan băng”, giúp khôi phục nền kinh tế thế giới trước những tác động to lớn của đại dịch COVID-19.

Tin cùng chuyên mục
Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 20/9, có những thông tin đáng chú ý sau: Nhân lên tình người vượt mưa lũ. Phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm. Già làng Alăng Đàn làm cầu treo cho dân. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.