Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tân Lạc phát huy vai trò Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Lê Anh - 10:44, 12/10/2024

Người có uy tín ở huyện miền núi Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là bộ phận nòng cốt, là những người "nói dân tin, bảo dân nghe" trong việc tuyên truyền và vận động người dân chấp hành pháp luật.

Người có uy tín tham gia tuyên truyền với người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật tại cơ sở. Ảnh: Mai Chinh
Người có uy tín tham gia tuyên truyền với người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật tại cơ sở. Ảnh: Mai Chinh

Những người “nói dân tin, bảo dân nghe”

Huyện Tân Lạc hiện có 159 Người có uy tín, gồm: Bí thư Chi bộ, trưởng xóm, khu dân cư, cán bộ nghỉ hưu, già làng, doanh nhân, người sản xuất, thầy mo, thầy cúng... Với vai trò của mình, những Người có uy tín đã và đang góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một trong số những Người uy tín đó là ông Bùi Hồng Thanh (70 tuổi) ở xóm Vìn Bái, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ông Thanh có thâm niên 15 năm làm Người có uy tín.

Từ khi được người dân trong xóm bầu làm Người có uy tín vào năm 2008, đến nay, ông Thanh luôn cố gắng trong việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến từng nhà, từng người trong xóm; kết hợp cùng chính quyền đi tuyền truyền về Luật Hôn nhân. Nhờ đó, nhiều vụ kết hôn khi chưa đủ tuổi đã được ngăn chặn kịp thời, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng thường nhắc nhở người dân trong xóm về chấp hành luật an toàn giao thông, không tham gia các tệ nạn cờ bạc, rượu chè mà tập trung phát triển kinh tế gia đình, để cải thiện cuộc sống, vươn lên xoá đói giảm nghèo.

“Ở xã Phú Cường chủ yếu người dân là dân tộc Mường, Thái… còn tồn tại một số hủ tục nên việc tuyên truyền thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, vất vả. Khó khăn nhất khi tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân là làm sao để họ hiểu được lợi ích của việc tuân thủ và để họ biết được những hậu quả khi vi phạm là như thế nào”, ông Thanh chia sẻ.

Ngoài việc là người có tiếng nói tại địa phương, ông Thanh còn là một thầy mo của xóm Vìn Bái. Ông thường có mặt tại các tang lễ, để nhắc người dân về việc không để người chết trong nhà quá 48 tiếng, phải làm đám tang và tiến hành chôn cất ngay, để đảm bảo an toàn.

Tương tự, chị Quách Thị Thanh (sinh năm 1979, người dân tộc Mường, ở xóm Bào, xã Thanh Hối) cũng là 1 Người uy tín, có tiếng nói với Nhân dân.

Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng chị Thanh được bà con trong xóm tin tưởng, quý mến bình bầu là Người có uy tín.

“Tôi rất vui nhưng cũng không khỏi lo lắng. Bằng nỗ lực và sự nhiệt tình, tôi luôn gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”, chị Thanh chia sẻ.

Theo chị Thanh, cần phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương sáng, không quản ngại khó khăn đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động người dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, xây dựng thôn xóm đoàn kết, bình yên, phát triển.

Chị Quách Thị Thanh không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn cùng các thành viên trong Tổ hòa giải xóm thường xuyên tổ chức các buổi họp, trò chuyện, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân; tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không để người thân trong gia đình vi phạm pháp luật.

Người có uy tín giúp đồng bào DTTS nâng cao hiểu biết pháp luật

Tân Lạc là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, cách thành phố Hòa Bình 30km về phía Tây - Nam, với nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm 85%, dân tộc Kinh chiếm 14,5%, còn lại là các dân tộc khác (Thái, Tày, Nùng, Dao...).

Những Người có uy tín ở huyện Tân Lạc là bộ phận nòng cốt về việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tới người dân địa phương
Những Người có uy tín ở huyện Tân Lạc là bộ phận nòng cốt về việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tới người dân địa phương

Trong những năm qua, Người có uy tín trên địa bàn huyện Tân Lạc đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Theo ông Bùi Văn Chánh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc, nhờ chú trọng phát huy vai trò của Người có uy tín, những năm qua, huyện Tân Lạc được đánh giá là địa phương có tình hình an ninh, trật tự xã hội ổn định.

Đồng thời, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, những hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, đời sống của đồng bào DTTS từng bước cải thiện, nâng cao, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, chung sức xây dựng quê hương ngày một ấm no, phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.