Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 đã khẳng định tầm nhìn chiến lược, những quyết sách sáng tạo, hiệu quả của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến đấu và nghệ thuật quân sự.
Chuyển hình thái kháng chiến từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, quân và dân ta tiếp tục giành nhiều thắng lợi quan trọng. Tuy nhiên, cuộc kháng chiến của nhân dân ta cũng gặp những khó khăn mới. Tháng 6/1949, được Mỹ trợ giúp, thực dân Pháp ráo riết thực hiện Kế hoạch Revers. Với quyết tâm đập tan mưu đồ của thực dân Pháp, đẩy mạnh sự phát triển của cuộc kháng chiến, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới.
Chiến dịch diễn ra qua ba đợt, từ 16/9 - 14/10/1950. Chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng Chiến dịch. Đây cũng là Chiến dịch duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận, cùng Bộ Chỉ huy trực tiếp chỉ đạo.
Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vận dụng phương pháp tác chiến đầy mưu trí, sáng tạo, trải qua 29 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, ta đã giành được thắng lợi to lớn, không chỉ tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, tinh nhuệ của địch, mà còn giải phóng một vùng đất rộng lớn, khai thông biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nối liền liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với phong trào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950 đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối kháng chiến mà Đảng ta đã vạch ra ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Với chiến thắng này, thế bao vây cả trong lẫn ngoài của địch đối với ta bị phá vỡ, mở ra bước ngoặt cơ bản, chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.
Kế hoạch Revers của thực dân Pháp được xây dựng với mục đích củng cố tuyến biên giới Việt - Trung, phong tỏa bờ biển Việt Nam; củng cố tuyến hành lang Đông - Tây; chiếm giữ đồng bằng Bắc bộ; củng cố khu phòng thủ tứ giác: Lạng Sơn, Móng Cái, Hà Nội, Hải Phòng để cô lập bao vây, tiêu diệt ta. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, bằng Chiến thắng Biên giới, ta đã làm phá sản kế hoạch quân sự, chính trị của thực dân Pháp, đập tan vòng vây biên giới, chọc thủng hành lang Đông - Tây, cơ bản làm sụp đổ kế hoạch Revers. Thất bại ở Chiến dịch Biên giới 1950 là "chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược" của thực dân Pháp.
Khẳng định Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950 là kết tinh của những nỗ lực phi thường của quân và dân ta, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Chiến thắng là thành quả từ quá trình "chiến đấu trong vòng vây" của địch đầy hy sinh, gian khổ, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với quân và dân ta, là sự kiện lịch sử đánh dấu bước nhảy vọt, tạo chuyển biến quan trọng về cục diện chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Nhiên (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Quốc phòng) cho rằng, Chiến dịch Biên giới đã cung cấp nhiều kinh nghiệm phong phú về nghệ thuật tác chiến cho Quân đội ta trên bước đường trưởng thành từ tác chiến du kích lên chính quy.
Cùng quan điểm với Đại tá Hoàng Xuân Nhiên, Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Khắc Bình (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) đánh giá, Chiến thắng Biên giới 1950 đã cho thấy bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Nghệ thuật này được thể hiện từ định hướng chọn mục tiêu mở đầu chiến dịch, bảo đảm đánh thắng trận đầu, trận then chốt khơi ngòi thu hút viện binh địch, đến việc chọn đúng phương châm tác chiến chiến dịch "đánh điểm để diệt viện"; tập trung ưu thế binh hỏa lực trong các trận then chốt, giành và giữ quyền chủ động trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Bước phát triển nghệ thuật chiến dịch của ta từ Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đã tạo bước đệm nhảy vọt trên chặng đường dài, quá độ từ tác chiến du kích phân tán lên tác chiến tập trung, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn của bộ đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bước trưởng thành vượt bậc trong quá trình tổ chức, chỉ đạo kháng chiến
Theo Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân tố quyết định thắng lợi của Chiến dịch, có ý nghĩa bước ngoặt chính là tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, được thể hiện trên một số nội dung cơ bản: Nhận định chính xác tình hình, kịp thời hạ quyết tâm mở Chiến dịch, tạo bước ngoặt cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc phát triển; kịp thời, chính xác chuyển hướng chiến lược tiến công; tập trung lực lượng lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Quân đội, tổ chức chỉ huy chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao.
Qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm, trưởng thành vượt bậc trong quá trình tổ chức, chỉ đạo chiến tranh, nhất là năng lực phân tích, dự báo tình hình và hạ quyết tâm quyết chiến chiến lược. Đầu năm 1950, Đảng ta sáng suốt nhận định: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam phát triển đang có lợi cho ta, bất lợi cho Pháp về tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường Đông Dương. Từ đó, Trung ương Đảng xác định năm 1950 là năm bản lề giữa hai giai đoạn chiến lược, năm chuyển biến lớn, có ý nghĩa quyết định để quân và dân ta vượt qua giai đoạn cầm cự, chuyển sang giai đoạn tổng phản công, là cơ sở vững chắc để Đảng hạ quyết tâm chiến lược mở Chiến dịch Biên giới 1950 với niềm tin giành thắng lợi.
Sự chủ động xây dựng, quán triệt và tổ chức thực hiện sáng tạo phương châm tác chiến chiến lược vào thực tiễn chiến đấu có thể nói là nét nổi bật nhất trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng đối với Chiến dịch này. Trước đó, đầu năm 1949, tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu diễn ra từ ngày 14 -18/1/1949, Đảng đã đề ra phương châm chiến lược: "Du kích chiến là cơ bản, vận động chiến là phụ trợ, nhưng cần mạnh bạo đẩy vận động chiến đi tới và khi đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công".
Phương châm đã được quán triệt và gấp rút thực hiện bằng các giải pháp cụ thể: Xây dựng bộ đội, phát triển lực lượng dân quân, kiện toàn cơ quan chỉ huy, đào luyện cán bộ, xây dựng nền lý luận quân sự Việt Nam, chấn chỉnh công việc tuyên truyền các chiến công của bộ đội và dân quân... Đồng thời, Đảng coi trọng đào tạo, rèn luyện cán bộ có năng lực chỉ huy điều khiển bộ đội tập trung và đánh vận động chiến. Đảng chỉ đạo quân và dân ta đánh mạnh và táo bạo hơn nữa vào hậu phương địch, các vị trí chiến lược, cắt các đường giao thông quan trọng, nhất là các trung tâm chính trị của quân xâm lược Pháp, từ chủ động chiến dịch đi đến chủ động chiến lược từng bộ phận một cách mạnh bạo hơn; nỗ lực chuẩn bị tổng phản công, chuẩn bị trong kế hoạch chiến lược, trong xây dựng bộ đội và chuẩn bị về tinh thần cho toàn quân, toàn dân... Đây là những vấn đề hệ trọng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là cơ sở chỉ đạo hoạt động tác chiến trên chiến trường.
Khẳng định Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đã mở ra một giai đoạn mới của sự nghiệp kháng chiến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Hồng Hạnh (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: Chiến thắng Biên giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song quan trọng nhất là từ chủ trương đúng đắn, quyết tâm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân ta trên Mặt trận Cao Bằng - Lạng Sơn nói riêng, cả nước nói chung để quyết tâm thành thắng lợi.
Việc lựa chọn địa bàn, kịp thời chuyển hướng chiến lược, chuyển mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch là một trong những thành công lớn trong chỉ đạo chiến lược của Đảng đối với Chiến dịch Biên giới. Ban đầu, Đảng chủ trương mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc, chuẩn bị chiến trường hướng Đông Bắc, vì Tây Bắc được coi là nơi yếu nhất, sơ hở nhất của địch. Tuy nhiên, nắm bắt sự phát triển của tình hình, Đảng kịp thời chuyển hướng chiến lược từ Tây Bắc sang Đông Bắc.
Hướng Đông Bắc, từ chỗ được coi là hướng quan trọng, trở thành hướng chiến lược. Ngược lại, Tây Bắc từ chỗ được xác định là hướng chiến lược, trở thành hướng phối hợp. Quyết sách này thể hiện rõ tài thao lược, nghệ thuật nắm bắt và tận dụng thời cơ chiến lược của Đảng. Sự chuyển hướng chiến lược sang Đông Bắc trực tiếp làm phá sản kế hoạch Revers của thực dân Pháp.
Bên cạnh đường lối đúng đắn của Đảng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân chính là cội nguồn sức mạnh làm nên Chiến thắng Biên giới. Nhận định về khía cạnh này, Thạc sĩ Hoàng Thanh Hải (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã được kế thừa, phát huy lên một tầm cao mới. Quân và dân ta đã đồng tâm hiệp lực đánh giặc trên khắp các chiến trường để phối hợp, chia lửa với Chiến dịch Biên giới, từ đồng bằng Bắc bộ, Thái Nguyên, Liên khu 3, Bình - Trị - Thiên, Liên khu 5, khu vực Nam bộ...; động viên, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân phục vụ Chiến dịch.
Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 là một trong những chiến dịch điển hình về tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị về lý luận, thực tiễn tổ chức chiến dịch. Đó là bài học về sự lãnh đạo của Đảng, về nghệ thuật chỉ đạo điều hành chiến tranh và phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, về huy động tiềm lực và khối đại đoàn kết dân tộc để tạo thành sức mạnh tổng hợp...
Trong đó, bài học về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học lớn, sâu sắc nhất, bao trùm và chủ đạo nhất. Nhờ có tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén, Đảng ta đã đánh giá đúng thực lực kẻ thù, đề ra chủ trương, phương châm tác chiến chiến lược kịp thời, chính xác, động viên cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; tập trung mọi nguồn lực cho tiến công địch trên một hướng xác định, trong thời điểm quyết định, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta.