Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sửa Luật Đầu tư công: Vừa quản lý chặt chẽ, vừa tăng cường phân cấp mạnh

PV - 15:16, 24/07/2018

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tiến độ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, sáng 23/7.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

 

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt tình hình xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý với các nội dung cụ thể, trình tự, thủ tục làm sao phải vừa bảo đảm đầy đủ vừa tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thực hiện. Đồng thời, phải tăng cường phân cấp mạnh cho các cấp, các ngành, tăng cường quản lý công tác hậu kiểm…

Phân cấp mạnh mẽ trong các khâu

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Luật Đầu tư công đã ban hành được 4 năm với tinh thần ban đầu là kiểm soát nguồn đầu tư công chặt chẽ nhất, nên có nhiều quy trình, thủ tục làm cho các địa phương vướng mắc, vì thế ông Dũng cho biết đã có chỉ đạo sửa đổi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất với nội dung sửa đổi.

Theo đó, Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh, dự án Luật lần này có 4 điểm mới. Trước hết là thay đổi quy trình thẩm định nguồn vốn, Bộ KH&ĐT sẽ không thẩm định tất cả nữa mà chỉ thẩm định những dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, còn lại phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, có sự thay đổi lớn về công tác kế hoạch hóa bám sát kế hoạch 3 năm của Bộ Tài chính; điều chỉnh phương án giao kế hoạch (giao tổng mức vốn và giao nhiệm vụ, còn việc bố trí cụ thể ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương); phân cấp việc điều chỉnh kế hoạch và phân cấp mạnh mẽ trong các khâu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị thêm phần kiến nghị bổ sung danh mục các luật phải sửa đổi khi Luật này sửa đổi.

Riêng phần Luật Quy hoạch và chi phí cho chuẩn bị đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng phải bố trí trong chương trình trung hạn chứ không nên giao danh mục. Cùng với đó, phải có sự chuẩn bị tiếp nối bố trí vốn của giai đoạn sau.

Cần chế tài thanh tra, xử lý sai phạm

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Bộ KH&ĐT đã làm rất nghiêm túc, công phu và trách nhiệm.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ KH&ĐT cần lưu ý thêm các vấn đề cụ thể: Phạm vi điều chỉnh nên chăng phân thành 2 loại (trong cân đối và chưa đưa vào cân đối ngân sách), nguồn chưa đưa vào cân đối ngân sách nên giao Chính phủ quy định chi tiết theo trình tự, thủ tục rút gọn hơn hoặc không đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Phó Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại một số định nghĩa không cần thiết, bổ sung thêm quy định áp dụng đầu tư tại dự án nước ngoài và dự án sử dụng vốn của nhiều cấp.

Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư công phải phù hợp với đầu tư cân đối từ vốn ngân sách Nhà nước.

Vấn đề quyết định chủ trương đầu tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là vừa quản lý chặt chẽ, vừa phân cấp, tăng cường hậu kiểm, bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn vào bước quyết định chủ trương đầu tư.

Với các dự án khẩn cấp nên quy định tiêu chí, phạm vi, thủ tục sử dụng vốn. Còn về vốn chuẩn bị cho đầu tư và vốn ODA phải có dự toán nhưng tăng cường phân cấp hơn và phải kiểm soát chặt do có liên quan đến bội chi, nợ công.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý phần chế tài, cần có quy định kiểm tra, thanh tra và xử lý sai phạm.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát thủ tục phân cấp, quy định rõ thẩm quyền của các cấp; nghiên cứu có cơ chế riêng về thẩm quyền của HĐND, không nên để cơ chế ủy quyền.

Liên quan đến dự án luật khác, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ phải chủ động rà soát và có lộ trình sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu các ý kiến, phối hợp với các cơ quan hữu quan để bổ sung, hoàn thiện dự án Luật theo đúng yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ dự án luật, xem xét và xử lý kiến nghị về việc cho phép đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công thành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), sau đó trình Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình ra Ủy ban TVQH và trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 tới.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công hiện hiện được xây dựng với bố cục gồm 6 chương, 106 điều quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.