Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sự việc người dân chưa đồng thuận với cách áp giá đền bù đất tại Dự án Khu đô thị mới Mai Pha ở Lạng Sơn- Cần làm rõ những kiến nghị của người dân

Tuấn Thiên An - 22:11, 05/05/2022

Cùng là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội và cùng nằm trên địa bàn thành phố, trong khi các dự án khác, đang được đền bù với giá 674.000 đồng đến 1.334.000 đồng/m2, thì tại dự án KĐT mới Mai Pha, giá đền bù chỉ có 70.000 đồng/ m2 như thế có hợp lý ? Liệu có dấu hiệu thi công khi chưa giải phóng mặt bằng? Đường băng (16ha) nằm trong dự án có phải là “đất sạch”. Nếu là “đất sạch” thì đã qua đấu giá trước khi giao cho chủ đầu tư hiện tại?... Đó là những vấn đề mà nhiều hộ dân xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn phản ánh đang cần câu trả lời của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Dự án Khu ĐTM Mai Pha, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn
Dự án Khu ĐTM Mai Pha, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn

Người dân thiệt thòi vì áp giá đền bù chưa hợp lý

Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 13/02/2022 đăng tải bài viết “TP. Lạng Sơn: Vì sao người dân chưa đồng thuận với cách áp giá đền bù đất tại Dự án Khu đô thị mới Mai Pha?” với nội dung: 603 hộ gia đình và 3 tổ chức bị ảnh hưởng, khi UBND TP. Lạng Sơn ban hành Kế hoạch về việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị mới (ĐTM) Mai Pha…

Dự án KĐT mới Mai Pha có diện tích lập quy hoạch gần 92 ha. Chủ đầu tư là liên danh CTCP Đầu tư Hải Phát - Công ty TNHH Hà Sơn. Đây là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nên thủ tục thu hồi đất, công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người dân được thực hiện theo các Điều 69, Điều 74 đến Điều 81 Luật Đất đai 2013, trên cơ sở khung giá đất do Nhà nước ban hành, mà không phải do chủ đầu tư cùng người sử dụng đất thoả thuận mức đền bù.

Theo khung giá do UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành, những hộ dân bị thu hồi tại dự án KĐT mới Mai Pha đang được đền bù từ 56.000 đồng/m2 - 70.000 đồng/m2 đối với đất trồng lúa; từ 46.000 đồng/m2 - 60.000 đồng/m2 đối với đất trồng cây lâu năm; từ 52.000 đồng/m2 - 66.000 đồng/m2 đối với đất trồng cây hàng năm; từ 38.000 đồng/m2 - 46.000 đồng/m2 đối với đất trồng nuôi trồng thủy sản.

Sau khi cộng với các khoản hỗ trợ khác, mỗi hộ dân bị thu hồi đất tại dự án KĐT mới Mai Pha nhận được tiền đền bù từ 228.000 đồng/m2 - 420.000 đồng/m2.

Trên thực tế, về cơ cấu sử dụng đất, dự án KĐT mới Mai Pha có gần 72 ha là đất ở. Chỉ có hơn 4 ha là đất cây xanh đô thị, gần 3 ha là đất công cộng đô thị, hơn 2 ha là đất hỗn hợp, gần 3 ha là đất quốc phòng an ninh,...

Phản ánh tới phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, nhiều hộ dân cho rằng: Với dự án KĐT mới Mai Pha, có tới  72 ha đất ở trong tổng số gần 92 ha đất của dự án, nên cái “mác” dự án kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng... có phải đang tạo ra lợi ích cho nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất thì rất thiệt thòi ?

Dấu hiệu chủ đầu tư tập kết vật liệu, san lấp khi dự án KĐT mới Mai Pha (TP. Lạng Sơn) chưa giải phóng xong mặt bằng
Dấu hiệu chủ đầu tư tập kết vật liệu, san lấp khi dự án KĐT mới Mai Pha (TP. Lạng Sơn) chưa giải phóng xong mặt bằng

Thi công khi chưa giải phóng xong mặt bằng?

Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Lạng Sơn cung cấp cho phóng viên, trong tổng số 603 hộ và 03 tổ chức bị ảnh hưởng, nằm trong danh sách thu hồi đất, đền bù, hiện nay mới chỉ có 47 hộ đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

Mặc dù chưa hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tuy nhiên theo phản ánh của người dân, từ cuối năm 2020, xuất hiện các xe tải tập kết đất, tiến hành san gạt trong khuôn viên dự án KĐT Mai Pha.

Nhằm xác minh thông tin phản ánh, phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã về xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn để ghi nhận. Theo quan sát của phóng viên, trong khu vực được cho là đất của dự án, có một số điểm tập kết đất, đá, có dấu hiệu đã được san ủi mặt bằng trước đó. 

Đáng chú ý, khi phóng viên đang có mặt tại KĐT mới Mai Pha, có ghi nhận 01 xe tải chở theo đất, đá vào khu vực đã có dấu hiệu tập kết vật liệu và san ủi. Tuy nhiên, khi thấy phóng viên ghi hình, xe tải này đã dừng thao tác đổ đất, đá, rồi lập tức quay ngược trở ra, chạy khỏi khu vực dự án.

Xe tải này đưa đất vào khu vực dự án, nhưng sau đó lại quay đầu bỏ đi khi phát hiện phóng viên ghi hình
Xe tải đưa đất vào khu vực dự án, nhưng sau đó quay đầu bỏ đi khi phát hiện phóng viên ghi hình

Trước dấu hiệu chủ đầu tư tiến hành san lấp, thi công, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho rằng: “Dự án KĐT mới Mai Pha, TP. Lạng Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết KĐT mới Mai Pha tỉ lệ 1/500 tại Quyết định số 1845/QĐ-UBND ngày 13/09/2021, trong đó có một phần diện tích trong quy hoạch thuộc Dự án kè bờ trái sông Kỳ Cùng - là dự án đầu tư công (được triển khai từ trước khi có chủ đầu tư KĐT mới), Nhà nước đã đầu tư một phần. Do vậy, có việc bóc đất hữu cơ phía bờ kè sông, nhưng không thuộc dự án KĐT. Đối với phần thuộc KĐT, chưa có việc san lấp như ý kiến phản ánh của người dân. Theo thực tế, dự án đang được tổ chức thực hiện về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định”.

Thông tin trả lời của vị đại diện Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn có phần chưa thuyết phục, vì hình ảnh mà phóng viên đã ghi nhận cho thấy, ở khuôn viên dự án KĐT mới Mai Pha có dấu hiệu đã tập kết, san gạt đất, đá; tập kết vật liệu xây dựng khác. Việc xe tải chở đất, đá tới địa điểm rồi lập tức rời đi khi bị phát hiện, ghi hình… cho thấy những vấn đề mờ ám, khuất tất từ hiện trạng tập kết đất, đá và san gạt...

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin về những vấn đề cần làm rõ tại dự án KĐT mới Mai Pha!

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.