Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sự bất an từ các hầm mỏ

PV - 10:55, 18/03/2019

Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hầm mỏ nghiêm trọng dẫn đến chết người. Tình trạng này thêm một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp bách là đảm bảo an toàn cho các lao động và người dân quanh vùng có hầm mỏ.

Hiện trường vụ sập hầm tại bản Suối Bắc, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Hiện trường vụ sập hầm tại bản Suối Bắc, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm

Mới đây, vào chiều ngày 13/3 trên địa bàn bản Suối Bắc, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã xảy ra vụ sập hầm khai thác mỏ thiếc làm 3 người tử vong.

Ba nạn nhân được xác định gồm anh Lương Văn Tuấn (SN 1977), chị Lương Thị Hảo (SN 1982) và chị Sầm Thị Hải (SN 1987). Cả 3 người đều là người dân tộc Thái ở xóm Bản Chảo, xã Châu Hồng.

Ông Lô Trung Thành, Trưởng Công an xã Châu Hồng cho biết: Khu vực hầm sập cách bản Chảo gần 3km theo đường chim bay. Các nạn nhân vào khu vực mỏ thiếc đã đóng cửa để mót thiếc. Tuy nhiên do các hầm khai thác thiếc ở đây sau một thời gian dài không được gia cố, qua sự biến động địa chất các vách đất, đá yếu nên đã xảy ra vụ việc đau lòng trên.

Sau vụ tai nạn xảy ra, chính quyền UBND xã Châu Hồng, UBND huyện Quỳ Hợp đã huy động các lực lượng, máy móc thiết bị đến khu vực sự cố, mở miệng hầm đưa được các thi thể nạn nhân Lương Văn Tuấn và Lương Thị Hảo, Sầm Thị Hải ra khỏi hầm.

Trước đó, ngày 10/3, tại mỏ đá Phia Viềng (xã Dân Chủ, huyện Hòa An, Cao Bằng) cũng xảy ra vụ sạt lở đá nghiêm trọng vùi lấp 2 máy xúc, khiến 2 công nhân điều khiển tử vong.

Còn theo thống kê của Phòng An toàn, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, ngay đầu năm 2019, ngành Than đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn lao động khiến 2 công nhân tử vong. Trong năm 2018, toàn ngành Than để xảy ra 17 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, khiến 17 công nhân tử nạn.

Cần nâng cao ý thức về an toàn lao động

Có thể nói, thời gian vừa qua hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần cải tạo cơ sở hạ tầng của các địa phương nơi có các mỏ khoáng sản, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích về kinh tế, ngành khoáng sản ở Việt Nam phải đối diện với thực tế khó khăn là phát triển nóng, thiếu an toàn.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay một số loại khoáng sản đang được khai thác bằng phương pháp khai thác hầm lò, gồm: Khai thác vàng sa khoáng, khai thác quặng chì, măng gan, thiếc... Công nghệ khai thác còn rất thô sơ, chủ yếu là thủ công. Đặc biệt là các đơn vị khai thác tư nhân và nạn khai thác trái phép, nên thiếu đầu tư thiết bị, cũng như không có kỹ thuật khai thác, do đó tình hình tai nạn lao động xảy ra rất nghiêm trọng.

Trong khi đó việc quản lý khai thác còn lỏng lẻo, tai nạn lao động thường không được khai báo, điều tra. Chỉ khi xảy ra những vụ tai nạn lao động chết người nghiêm trọng, các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương mới có được thông tin.

Để đảm bảo an toàn cho công nhân cũng như người dân quanh vùng hầm mỏ, ông Hà Tất Thắng nhấn mạnh, ở cấp độ doanh nghiệp, cần thiết phải quy định bắt buộc có bộ phận an toàn, vệ sinh lao động (bao gồm cả hệ thống giám sát an toàn trên công trình), bộ phận y tế, an toàn, vệ sinh viên. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

Ở cấp độ quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng cần thực hiện việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, các cơ quan cần tổ chức thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật an toàn, vệ sinh lao động và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật. Đặc biệt, cần thiết xây dựng hệ thống kiểm soát nguy cơ, rủi ro trong các doanh nghiệp mỏ ở Việt Nam.

Trong điều kiện thực tế hiện nay, nhiều người dân sống quanh các hầm mỏ do điều kiện kinh tế khó khăn thường vào mót quặng không được đảm bảo an toàn. Do đó, thời gian tới, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân hạn chế thực hiện. Đồng thời hướng dẫn người dân những biện pháp an toàn cần thiết. Về lâu dài, chính quyền cũng cần đề nghị các doanh nghiệp tạo điều kiện tuyển dụng người dân sở tại, đặc biệt là người DTTS sống quanh khu vực hầm mỏ vào làm chính thức để đảm bảo an toàn cho họ và phát triển bền vững.

HIẾU ANH - MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.