Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Soọng cô - một thứ “men” của đồng bào Sán Dìu: Những thách thức trong công tác bảo tồn (Bài 6)

Văn Hoa - 08:51, 22/08/2022

Trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, những người lớn tuổi nhằm “cứu nguy” cho làn điệu Soọng cô, nhiều bạn trẻ đã “động lòng” và tự ý thức gìn giữ tài sản của cha ông. Song, vì rất nhiều nguyên nhân, việc bảo tồn tiếng hát Soọng cô còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đại đa số những người biết hát và hiểu được giá trị của Soọng cô đều đã cao tuổi
Đại đa số những người biết hát và hiểu được giá trị của Soọng cô đều đã cao tuổi

Đội ngũ người hát Soọng cô ngày càng “già hóa”

Những năm qua, cộng đồng người Sán Dìu đã rất nỗ lực làm sống dậy tiếng hát Soọng cô sau một thời gian dài xao nhãng, và đã đạt được nhiều kết quả khá tích cực. Phong trào hát Soọng cô lan tỏa khắp các xóm, làng, mỗi một thôn, xóm đều thành lập các CLB Soọng cô, và họ tổ chức đi hát giao lưu giữa CLB này với CLB khác trong huyện, tỉnh và tỉnh này với tỉnh khác, tạo thành một phong trào hát và bảo tồn tiếng hát Soọng cô một cách sâu rộng.

Thế nhưng một điều đáng buồn là, đại đa số những người còn hát được, hát hay, hiểu được tinh túy của Soọng cô số lượng không còn nhiều. Theo thống kê ở 5 tỉnh có người Sán Dìu sinh sống, hiện nay có khoảng 70 CLB dân ca, trên 4.000 hội viên. Tuy nhiên, hơn 90% hội viên các CLB đã trên 50 tuổi, còn những người từ 40 tuổi trở xuống biết hát Soọng cô chỉ đếm trên đầu ngón tay, ít có thanh niên tham gia các CLB và biết hát Soọng cô. Đây là một thực tế đáng báo động, nguy cơ mai một tiếng hát Soọng cô rất rõ ràng.

Anh Trần Xuân Hải, 23 tuổi, dân tộc Sán Dìu tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết: Mặc dù là người Sán Dìu, nhưng em không biết hát Soọng cô, bởi làn điệu này rất khó hát và không có nhạc, nên dễ gây nhàm chán cho giới trẻ. Muốn học hát phải có thời gian và phải thực sự yêu thích thì mới hát được.

Soọng cô được truyền miệng, hát trong mọi không gian khác nhau
Soọng cô được truyền miệng, hát trong mọi không gian khác nhau

Mặc dù hiện nay, nhiều bạn trẻ dần nhận thức cần phải học hát Soọng cô, tuy nhiên, vì nhiều lý do nên việc học hát là rất khó khăn. Cái khó khi học hát Soọng cô là truyền miệng và khó biểu đạt ra tiếng phổ thông. Nếu chỉ nhìn các bài hát được phiên âm sang chữ Quốc ngữ, thì khó có thể dịch và học được. Do đó, việc học Soọng cô phải trực tiếp, rất khó khăn cho giới trẻ đi làm xa nhà.

Muốn hát Soọng cô phải nói được tiếng San Dìu

Với Soọng cô, người học cũng phải biết nói tiếng Sán Dìu mới hát được. Hiện nay, nhiều bạn trẻ không biết nói tiếng nói của dân tộc mình, vì vậy việc truyền dạy Soọng cô vô cùng khó khăn. Người Sán Dìu sinh sống gần với người Kinh và các dân tộc anh em khác, sự giao lưu văn hóa vô cùng mạnh mẽ, ngôn ngữ cũng vậy.

Hiện nay, người Sán Dìu sử dụng tiếng Việt nhiều hơn tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống thường ngày, thậm chí, có những địa phương, còn lại rất ít người cao tuổi biết nói tiếng Sán Dìu. Như xóm Thanh Trà (xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên) 99% người Sán Dìu không sử dụng tiếng Sán Dìu trong sinh hoạt hằng ngày, đồng nghĩa tiếng hát Soọng cô cũng vì thế mà mai một, có nguy cơ thất truyền.

Thường xuyên nói tiếng sán Dìu và hát Soọng cô sẽ giúp giới trẻ lắng nghe, thẩm thấu, qua thời gian, tiếng hát Soọng cô cũng vì thế mà ở trong mỗi người một cách tự nhiên, không thể thiếu được
Thường xuyên nói tiếng sán Dìu và hát Soọng cô sẽ giúp giới trẻ lắng nghe, thẩm thấu, qua thời gian, tiếng hát Soọng cô cũng vì thế mà ở trong mỗi người một cách tự nhiên, không thể thiếu được

Đặc biệt, các bài Soọng cô chủ yếu được ghi chép theo Nôm Sán Dìu và khi dịch các bài hát ra chữ Quốc ngữ, thì cũng phụ thuộc vào khả năng của người dịch. Người dịch cũng cần có khả năng về thơ ca, hiểu biết sâu về văn hóa dân tộc, thì người học có thể hiểu và cảm nhận được cái hay của làn điệu này. Hơn nữa, trong hát Soọng cô phải biết cách lấy hơi, ngân dài, ngắn nên dù có biết tiếng thì nghe cũng rất khó hiểu, ngay cả người biết nghe, biết nói tiếng mẹ đẻ cũng khó mà hiểu được.

Thiếu không gian biểu diễn

Nếu như trước kia, người Sán Dìu nói tiếng mẹ đẻ hằng ngày, hát Soọng cô mọi lúc, mọi nơi, hát trong dịp đám cưới, lễ tết, lễ hội, khi lao động sản xuất… thế hệ trẻ có cơ hội lắng nghe, thẩm thấu, qua thời gian, tiếng hát Soọng cô cũng vì thế mà ở trong mỗi người một cách tự nhiên, không thể thiếu được.

 Nhưng đến nay, giới trẻ đâu còn cơ hội đó, thay vì tiếng mẹ đẻ, các gia đình chủ yếu nói tiếng phổ thông, những câu hát ru, câu hát Soọng cô ngày nào nay cũng là xa xỉ đối với chính người Sán Dìu.

Cần nâng cao tình yêu, lòng tự tôn văn hóa dân tộc, đặc biệt là làn điệu Soọng cô cho thế hệ trẻ (Ảnh Thái Sinh Trần)
Cần nâng cao tình yêu, lòng tự tôn văn hóa dân tộc, đặc biệt là làn điệu Soọng cô cho thế hệ trẻ (Ảnh Thái Sinh Trần)

Hiện nay, mặc dù các ông, bà, nghệ nhân các CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt, giao lưu hát Soọng cô, thế nhưng, những buổi sinh hoạt đó, thường tổ chức tại một gia đình Ban Chủ nhiệm CLB hoặc trong không gian nhà văn hóa thôn. Hơn nữa, vì đại đa số các hội viên đều đã lớn tuổi, cách sinh hoạt CLB không tạo được sức hút đối với giới trẻ, vì thế mà rất ít thanh niên tham gia. 

Trong khi đó, nhiều nghệ nhân chỉ tham gia hát tại CLB mà không dạy hát cho các con, các cháu trong gia đình. Đây cũng là một nguyên nhân chính khiến giới trẻ không tiếp cận được với tiếng hát Soọng cô.

Đặc biệt, làn điệu Soọng cô trầm, dễ gây nhàm chán với giới trẻ. Đối với giới trẻ, nhất là những người không biết nói tiếng Sán Dìu, việc học Soọng cô là vô cùng khó khăn, vừa khó khăn, vừa nhàm chán, đây cũng là lí do chính khiến giới trẻ không mặn mà với làn điệu Soọng cô.

Có thể nói, làn điệu Soọng cô đã được lưu giữ qua hàng trăm năm, trở thành một tài sản vô giá mà chủ nhân của nó là người Sán Dìu. Thế nhưng, hiện nay tài sản đó đang đứng trước nguy cơ mai một, có khả năng thất truyền. Chỉ vọn vẹn 15 - 20 năm nữa thôi, khi thế hệ các ông, bà, các nghệ nhân lớn tuổi đang già đi theo năm tháng, và chắc chắn, họ sẽ mang theo tiếng hát Soọng cô về với đất mẹ.

Để bảo tồn Soọng cô cần có nhiều giải pháp, mà giải pháp hữu hiệu nhất là tập trung vào thế hệ trẻ người Sán Dìu. Sẽ không có một ai, một dân tộc nào bảo tồn thay tiếng hát Soọng cô cho người Sán Dìu, do đó, giới trẻ người Sán Dìu cần nêu cao hơn nữa lòng tự tôn, tình yêu văn hóa dân tộc, trong đó có làn điệu Soọng cô.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.