Trắng tay sau những trận cuồng phong
Nhìn những lồng bè thủy sản được gia cố lại, chuẩn bị cho vụ nuôi mới, ông Trần Văn Tính ở Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) buồn bã cho biết: Các trận cuồng phong, nhất là cơn bão lịch sử cuối năm 2017 do không được cảnh báo trước nên tôi và hàng ngàn gia đình khác ở khu vực Nam Trung bộ này lâm vào cảnh trắng tay. Giờ có những tháng phải chạy vạy mới đủ tiền trang trải gia đình. Riêng khoản nợ gần 2 tỷ đồng ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thì chẳng tài nào trả được.
Từ những trận mưa bão bất thường trong 2 năm qua, bà Nguyễn Thị Mỹ Rơi (tổ 9, thị trấn Vạn Giã) đã vĩnh viễn mất chồng vì nước cuốn, con cái cũng bị thương nặng. Hàng chục lồng bè đang đến kỳ thu hoạch bị sóng biển đánh tan nát. Bà Rơi xót xa: Nếu được sơ tán hay dự báo trước nhiều ngày vớt bớt cá, tôm lên thì đã bán được ít rồi. Thiên tai làm mất người thân, mất của, bà Rơi chỉ còn lại nỗi lo lớn là món nợ 1,8 tỷ của Agribank chi nhánh huyện Vạn Ninh.
Chỉ sau hai đêm gần 200 lồng bè của ông Nguyễn Thanh Sang (thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương, Vạn Ninh) cũng tan theo sóng biển, giờ gượng dậy phục hồi lồng bè cũng trầy trật nên món nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng chẳng biết cách nào xoay xở. “Không chỉ tôi mà nhiều hộ khác cũng rất cơ cực”, ông Sang cho biết.
Cần sớm có giải pháp để người dân giữ nghề
Các tỉnh Nam Trung bộ, đặc biệt là Khánh Hòa, Phú Yên đã có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nguồn lợi thủy sản từ các tỉnh này còn phân bổ đi khắp nước và nghề nuôi trồng thủy sản là nghề chính của hơn 1 vạn ngư dân suốt bao đời nay. Vậy nên, để người dân an tâm tiếp tục bám biển, nuôi trồng, các cấp chính quyền cần sớm có giải pháp.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Tân (thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh) khẳng định: Tôi cùng cả họ hàng và gần một nửa người dân Vạn Giã bao đời nay vẫn chung thủy với nghề bám biển để nuôi trồng thủy sản nên không thể chuyển đổi nghề khác. Giờ chỉ mong được khoanh nợ. Chỉ có khoanh nợ 3 - 5 năm, ngân hàng không tính lãi, không thúc giục thì người dân bị thiệt hại nặng mới đủ sức gượng dậy để trả nợ dần.
Theo Agribank Tuy Hòa (Phú Yên), hiện ngân hàng vẫn đã và đang tiến hành cơ cấu lại các món nợ vay với nhiều ngư dân bị thiệt hại nặng do thiên tai để họ tiếp tục củng cố cuộc sống. Một số món nợ cũng được giãn ra.
Ông Trần Văn Sĩ, Giám đốc Agribank chi nhánh Vạn Ninh, cho biết: “Trước sự bất thường của thiên tai, chi nhánh ngân hàng cũng đã tiến hành cho vay nhiều món mới, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giãn nợ, khoanh nợ cho một số hộ. Tuy nhiên, quá nhiều người bị thiệt hại nên một số khoản nợ của ngư dân chờ khoanh đã rơi vào nợ xấu. Đến nay đã có 13,5 tỷ đồng của 32 khách hàng đã chuyển sang nợ quá hạn, 4,8 tỷ đồng của 6 khách hàng đã chuyển thành nợ xấu. Ngân hàng cũng đã có báo cáo lên cấp trên. Mong các cấp sớm có chỉ đạo để các hộ dân này được khoanh nợ, tiếp tục khôi phục và phát huy nghề truyền thống của mình”.