Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Sông kể chuyện lũ”

PV - 10:27, 13/06/2019

Đây là chủ đề của buổi Tọa đàm “Về miền nhớ” do Mạng lưới Tiên phong vì tiếng nói người DTTS tổ chức vừa qua tại Hà Nội. Buổi Tọa đàm thu hút sự quan tâm của xã hội và của chính những người trong cuộc-những người dân chịu tác động nặng nề từ việc phát triển ồ ạt các dự án thủy điện ở khu vực miền núi.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Về miền nhớ” . Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Về miền nhớ” .

Lâu nay, trên rất nhiều diễn đàn và truyền thông báo chí, mặt trái của việc phát triển ồ ạt các dự án thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ đã được nói đến rất nhiều. Dẫu vậy, vấn đề này vẫn tiếp tục phải được bàn bởi mặt trái của các dự án thủy điện vẫn đang bị che đậy.

Như việc điều tiết lũ, các “nhà làm thủy điện” đều cố thuyết minh thủy điện sẽ hạn chế lũ. Nhưng đâu phải vậy, những năm qua, người dân sống xung quanh các dự án thủy điện dù đã tìm mọi cách để “sống chung với lũ”, thậm chí luôn bị động trước những cơn lũ bất ngờ do thủy điện… xả lũ!

Bà Phạm Thị Sơn, dân tộc Mường, ở thôn Gia Dụ, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) năm nay 63 tuổi đã quen với những thiệt hại do lũ lụt. Nhưng lũ do… thủy điện gây ra thì bà vẫn chưa… thích ứng được.

Bà Sơn chia sẻ: trước kia, khi chưa có nhiều công trình thủy điện thì cứ khoảng 10 năm mới có 1 trận lũ lụt. Thế nhưng, mấy năm gần đây thì năm nào cũng có lũ, thậm chí lũ chồng lũ. Riêng chỉ trong tháng 7 và tháng 8 năm 2018, ở 2 huyện Cẩm Thủy và Bá Thước đã có tới 3 trận lũ “gối” nhau”.

“Mà ngày trước, lũ lên từ từ, phải cả ngày thì mới ngập vào nhà, và chỉ khoảng sau nửa ngày là nước đã rút rồi. Còn bây giờ, có nửa ngày thôi nước đã ngập đến cửa sổ, không kịp chuyển đồ, không kịp di chuyển đến nơi khác. Có đợt, 2-3 ngày nước mới rút, khi nước rút thì để lại nhiều bùn đất dày lắm. Trước đây lớp bùn đất chỉ dày khoảng 5 đến 10cm thôi thì nay đất bồi lên đến cả mét”, bà Sơn cho biết.

Mức độ tàn phá do lũ “thủy điện” cũng ghê gớm hơn lũ tự nhiên rất nhiều lần. anh Trương Văn Lĩnh, dân tộc Mường, ở thôn Giầu Cả, xã Lương Ngoại (Bá Thước, Thanh Hóa) nhớ lại: Năm 2007, ở quê tôi lũ lụt to hơn năm 2018, nhưng cũng chỉ ngập 2 ngày, nên mức độ thiệt hại hoa màu không lớn lắm. Nhưng năm 2018 vừa rồi, cùng với biến đổi của khí hậu thì một phần do thủy điện ngăn dòng xả lũ, nên cường độ lũ rất lớn, làm thiệt hại 30-40% diện tích hoa màu, ruộng lúa.

“Lũ năm nay mà như lũ 2018 thì mặt ruộng của thôn Giầu Cả sẽ ảnh hưởng 80-90% chứ không chỉ là 30-40% như năm trước nữa”, anh Lĩnh dự báo.

Chia sẻ của bà Sơn, anh Lĩnh tại buổi Tọa đàm “Về miền nhớ” đã nói lên rất nhiều điều về hệ lụy của thủy điện. Chẳng biết các công trình thủy điện điều tiết lũ ở đâu, nhưng với những người dân ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện thì lũ “thủy điện” đang là cơn ác mộng. Người dân cũng sẽ tiếp tục đối diện với cơn ác mộng này khi mạng lưới thủy điện cứ ngày một dày thêm.

Chỉ tính ở tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện có 22 dự án do Bộ Công Thương phê duyệt (chưa tính các dự án nhỏ do tỉnh cấp phép). Đáng chú ý, trên hệ thống sông Mã, khoảng cách từ Nhà máy thủy điện Trung Sơn đến thôn Gia Dụ (địa phương nằm ven bờ sông Mã chịu ảnh hưởng lớn từ lũ) chỉ 80km, nhưng có đến 8 đập thủy điện...

Trước những hệ lụy do phát triển ồ ạt các dự án thủy điện, đại diện cho những người dân chịu ảnh hưởng vùng lũ, những đại biểu có mặt tại buổi Tọa đàm đã kiến nghị Bộ Công Thương, các ban, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương xem lại quy hoạch phát triển thủy điện, nhất là các dự án vừa và nhỏ. Với những dự án đã đi vào hoạt động, người dân kiến nghị chủ đầu tư các dự án cần có kế hoạch xả lũ, kịp thời thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh cũng như chính quyền cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân vùng hạ du các công trình thủy điện làm thế nào để “sống chung được với lũ”.

Mạng lưới Tiên phong vì tiếng nói người DTTS có hơn 50 thành viên thuộc 15 dân tộc đến từ nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước. Mạng lưới có sứ mệnh truyền cảm hứng về tinh thần tự hào–tự tin–tự chủ trong các cộng đồng dân tộc, nhằm bảo tồn, phát huy tri thức và các giá trị truyền thống của mỗi dân tộc. Mạng lưới đã mang tiếng nói của người DTTS đến các diễn đàn, đối thoại tầm quốc gia và quốc tế để đóng góp xây dựng những chính sách hiệu quả và phù hợp hơn.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.