Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sơn Dương (Tuyên Quang): Chung tay để không để ai bị bỏ lại phía sau

Việt Hà - 06:01, 30/11/2023

Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ công tác giảm nghèo với nhiều nội dung và hình thức khác nhau gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Từ đó, góp phần tích cực trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống người dân, bộ mặt nông thôn tại địa phương này đã có nhiều khởi sắc.

Người dân Sơn Dương tích cực chuyển đổi sản xuất
Người dân Sơn Dương tích cực chuyển đổi sản xuất

Nỗ lực giảm nghèo

Tam Đa là xã khó khăn của huyện Sơn Dương. Hầu hết dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế. Xác định, muốn giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân không còn cách nào khác ngoài phát triển kinh tế, người dân có thu nhập, mới phát triển, thoát nghèo bền vững. Vậy nên, công tác giảm nghèo luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng bộ chính quyền xã.

Chị Nguyễn Thị Hảo – xã Tam Đa, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang từng là hộ nghèo. Gia đình chị được hỗ trợ vay vốn để làm ăn, xoá đói, giảm nghèo. Tận dụng quỹ đất của gia đình, cũng như mượn của 1 số hộ gia đình trong thôn, gia đình chị Hảo tập trung chồng cỏ, phát triển chăn nuôi bò. Sau nhiều năm cố gắng, đến nay, gia đình chị Hảo đã thoát nghèo và đang khá giả.

“Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, được hỗ trợ nguồn vốn, gia đình chọn phát triển triển bò sinh sản, đến nay đã hết nghèo” – chị Hảo chia sẻ.

Anh Đỗ Văn Tuyên (xã Tam Đa, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng là 1 trong số rất nhiều hộ dân nghèo được thụ hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi. Với 50 triệu đồng tiền vốn được cho vay, anh tập trung phát triển chăn nuôi, trồng rừng. Chỉ sau 3 năm cố gắng, gia đình anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, với diện tích 100m2.

Không riêng anh Tuyên, chị Hảo, người dân tại huyện Sơn Dương được tạo điều kiện thuận về cây con giống, khoa học kỹ thuật để làm ăn kinh tế, thoát nghèo bền vững. Hàng trăm lượt hộ dân được các tổ chức hội đoàn thể đứng ra tín chấp với ngân hàng, tạo điều kiện có vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Một góc thị trấn Sơn Dương hôm nay
Một góc thị trấn Sơn Dương hôm nay

Nỗ lực trong công tác giảm nghèo

Ủy ban nhân dân huyện, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Sơn Dương đã triển khai các giải pháp giảm nghèo theo các nhóm nguyên nhân chính, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt và đời sống, tạo cơ hội cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, huyện Sơn Dương đã cho 561 hộ nghèo vay vốn, với tổng số tiền trên 31 tỷ đồng và 241 hộ cận nghèo vay vốn, tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng để phát triển sản xuất, lao động; cho vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm 167 dự án, giải quyết việc làm cho 461 lao động, doanh số cho vay trên 8 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được thực hiện đồng bộ, hiệu quả như: hỗ trợ kinh phí học tập cho gần 14 nghìn trẻ em mẫu giáo và học sinh vùng khó khăn, thuộc hộ nghèo, tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; thực hiện cấp trên 44.000 thẻ BHYT cho đối tượng nghèo, cận nghèo, người dân ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiền điện trong năm 2023 cho trên 9.000 lượt hộ nghèo, tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Tính đến tháng 11/2023, huyện đã huy động hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho 209 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 9,5 tỷ đồng.

Huyện Sơn Dương phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ tạo việc làm cho trên 16.700 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đưa trên 7.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở ngoài tỉnh; góp phần giảm số hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về việc làm xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2025.

Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh; Giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, do đó đòi hỏi phải huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ các dự án tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giảm nghèo bền vững; góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới, sớm đưa huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.