Phát triển các câu lạc bộ (CLB) bảo tồn văn hoá
Huyện Sơn Dương có 19 dân tộc cùng sinh sống, hội tụ nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Đến nay, huyện có 5 Di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát Sình ca của người Cao Lan, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ, Lễ hội Đình Thọ vực xã Hồng Lạc và Lễ hội Đình Hồng Thái xã Tân Trào đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tích cực, hiệu quả của Nhân dân. Đặc biệt, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Sơn Dương luôn chú trọng phát triển các hoạt động văn nghệ quần chúng, các CLB bảo tồn văn hoá, dần dần hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần phát triển du lịch địa phương, tạo sinh kế mới cho đồng bào DTTS.
Hiện nay, xã Ninh Lai có 6 CLB hát Soọng cô ở các thôn. Năm nay đã 78 tuổi, nhưng ông Lưu Văn Năm, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô thôn Hội Kế, xã Ninh Lai vẫn tích cực sưu tầm các bài hát Soọng cô, để hướng dẫn cho các thành viên trong CLB tập luyện. Ông Lưu Văn Năm chia sẻ, CLB được thành lập từ năm 2011, đến nay đã có 24 thành viên là những người nhiệt tình, tâm huyết với văn hoá dân tộc Sán Dìu. CLB duy trì sinh hoạt vào ngày 20 hằng tháng, tập trung luyện tập các bài hát Soọng cô, các điệu múa và nhắc nhở các thành viên cùng con cháu giữ gìn tiếng nói, trang phục truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh việc luyện tập các bài hát cổ được sưu tầm, truyền dạy lại, Ban chủ nhiệm CLB còn sáng tác lời mới ca ngợi Đảng, bác Hồ, quê hương Sơn Dương, Ninh Lai đổi mới để các thành viên tập luyện. Người hát, múa tốt dạy cho người mới tham gia, dần dần ai cũng có thể hát, múa thuần thục, có thể biểu diễn tại các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ, trong các hoạt động du lịch ở trong và ngoài huyện.
Huyện Sơn Dương đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc nghiên cứu, kiểm kê di sản văn hóa, tổ chức chương trình trình diễn trang phục dân tộc và thành lập 32 CLB văn hóa văn nghệ cho các DTTS. Phong trào văn nghệ quần chúng ở Sơn Dương phát triển ngày càng đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; từng bước hình thành rõ nét môi trường văn hoá lành mạnh, có tác dụng giáo dục thẩm mỹ và quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương cách mạng với du khách trong nước và quốc tế.
Coi văn hoá là nguồn lực phát triển du lịch
Hiện nay, việc xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập ở xã Tân Trào, để bảo tồn văn hóa dân tộc Tày và phát triển du lịch cộng đồng tạo dấu ấn tốt đẹp với khách du lịch đến với Sơn Dương.
Anh Hoàng Văn Liệu, nhà hàng Nhiên Hiên, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) cho biết, nhà hàng của gia đình anh bắt đầu gây dựng từ năm 2010, quy mô có thể đón được khoảng 800 khách. Nhờ sớm tiếp cận với mạng xã hội, nên gia đình anh đã chủ động lập trang Fanpage “Nhà hàng Nhiên Hiên” trên Facebook với đầy đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại cụ thể để du khách dễ dàng liên hệ tư vấn, hỗ trợ dịch vụ. Để đa dạng hoá sự lựa chọn của du khách ưa trải nghiệm du lịch, nhà hàng cũng đã xây dựng thực đơn những món ăn truyền thống, như: Dê nướng tảng, cơm lam nướng; gà đồi, lạp sườn hun khói, cua đá núi Hồng, cá suối nướng, thịt trâu xào măng chua, rau rừng theo mùa...
Có một tín hiệu đáng mừng là Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh đang khẩn trương phục dựng đám cưới truyền thống của đồng bào Tày tại Làng Văn hóa Du lịch thôn Tân Lập, xã Tân Trào, tái hiện những nét đẹp về phong tục trong lễ rước dâu của đồng bào Tày với các điệu Quan làng mộc mạc nhưng mang tính giáo dục cao, chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc… Trích đoạn của đám cưới sẽ là một sản phẩm du lịch đặc sắc cho du khách trải nghiệm, để họ có thể thử làm cô dâu chú rể, được thưởng thức ẩm thưc, văn nghệ đặc sắc của người Tày. Đây là điểm nhấn đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch, nhằm giữ nguyên sức sống, nét đẹp của văn hóa truyền thống trong nhịp sống đương đại.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nên khách du lịch đến với Sơn Dương đang chiếm gần 50% tổng số khách du lịch của tỉnh. Doanh thu xã hội từ các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện hằng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi mới tại Sơn Dương, góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân, giúp người dân đặc biệt là đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo bền vững.