Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sớm tháo gỡ vướng mắc sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy

Trọng Bảo - 16:22, 16/03/2023

Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức hết giá trị sử dụng, thay vào đó là sử dụng phương thức điện tử để quản lý thông tin cư trú của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng còn những vướng mắc nhất định cần sớm được tháo gỡ, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.

Từ khi có thẻ CCCD gắn chíp, chị Liên thấy rất thuận lợi trong thực hiện các giao dịch hành chính
Từ khi có thẻ CCCD gắn chíp, chị Liên thấy rất thuận lợi trong thực hiện các giao dịch hành chính

Hiệu quả của thẻ CCCD gắn chíp

Tại tỉnh Lào Cai, đến thời điểm này, với sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng đã có trên 99% người dân trong độ tuổi được cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử. 

Bà Lục Thị Liên, dân tộc Nùng ở thôn Bản Cầm cho biết, tháng 9/2022 bà được cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Từ khi có thẻ căn cước rất nhiều giấy tờ mà trước đây bà phải mang theo khi thực hiện các giao dịch hành chính thì bây giờ không cần nữa.

“Vừa rồi đi khám bệnh ở bệnh viện huyện Bảo Thắng, tôi chỉ cần trình thẻ CCCD là đủ chứ không phải trình nhiều giấy tờ thủ tục như là thẻ bảo hiểm, sổ khám bệnh…”, bà Liên cho biết thêm.

Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng. Chính vì vậy, thẻ CCCD gắn chíp là một trong những giấy tờ quan trọng nhất đối với người dân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan Nhà nước. Ông Lùng Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm cho biết: Từ khi áp dụng việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, đối với các giao dịch, thủ tục hành chính cấp xã chưa phát sinh những vướng mắc, khó khăn gì…

“Chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ, công chức xã phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg về đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Trong đó, nêu rõ đó là không yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính. Nếu xuất hiện những khó khăn, vướng mắc thì cán bộ ở bộ phận một cửa phải báo cáo ngay cho lãnh đạo xã để xử lý, tháo gỡ kịp thời”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Hạ tầng công nghệ thông tin, mạng viễn thông…ở các xã vùng cao còn những hạn chế nhất định
Hạ tầng công nghệ thông tin, mạng viễn thông… ở các xã vùng cao còn những hạn chế nhất định

Sớm tháo gỡ khó khăn, bất cập

Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát cho biết: Hiện nay, một trong những thủ tục hành chính có tỷ lệ người dân đến xã giao dịch nhiều, đó là xin cấp giấy khai sinh. Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu trong thủ tục cấp giấy khai sinh còn những bất cập.

“Tôi ví dụ như hiện nay khi đi làm giấy khai sinh thì người dân phải sang Công an xã xin xác nhận về thông tin cư trú của cả hộ gia đình, gồm đầy đủ các thành viên. Nhưng hiện tại, trên giấy khai sinh chỉ thể hiện mỗi họ tên bố mẹ của người được đăng kí khai sinh, vậy tại sao không sử dụng thẻ CCCD của bố mẹ để khai sinh cho con mà bắt buộc phải xin giấy xác nhận thông tin cư trú của cả hộ...”,  ông Lực phân tích.

Tương tự, ông Phạm Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hòa, Tp. Lào Cai thông tin thêm: Đối với các thủ tục liên quan đến đất đai, trước đây khi còn sổ hộ khẩu, người dân chỉ cần phô tô, công chứng và mang đến xã, phường, thị trấn… là có thể được giải quyết. Nhưng hiện nay, khi sổ hộ khẩu không còn, người dân phải sang cơ quan Công an cùng cấp lấy xác nhận thì mới có thể làm các thủ tục này...

Khi bỏ hộ khẩu giấy, việc sử dụng CCCD gắn chíp hiện nay, là một trong những giấy tờ cần thiết trong rất nhiều thủ tục hành chính, cũng như giao dịch dân sự. Để khai thác hết được hiệu quả của thẻ CCCD gắn chíp điện tử, thì việc đẩy mạnh chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, đối với các xã, thôn bản vùng cao, hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ hiểu biết của người dân, trang thiết bị để truy cập, khai thác còn thiếu và yếu.

“Như xã chúng tôi hiện nay còn hai thôn là Nậm Tang và Bản Cầm hầu như không có sóng điện thoại di động. Cùng với đó, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh chỉ chiếm khoảng 50% dân số xã… Chính vì vậy, rất khó khăn trong việc người dân tra cứu thông tin trên mạng và thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của xã…”, ông Lùng Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm nhấn mạnh.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy, tức là bỏ hình thức quản lý dữ liệu cư trú bằng sổ, sách giấy tờ. Thay bằng việc Nhà nước quản lý hộ khẩu bằng hình thức chuyển quản lý thông tin sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn. Do vậy, những bất cập, khó khăn nhất định cần sớm được tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng như chính quyền cơ sở trong các hoạt động, giao dịch.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.