Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sóc Trăng: Tuyên truyền chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định qua phiên toà giả định

Văn Long - Minh Triết - 05:48, 30/05/2024

Trong 3 ngày (từ 28- 30/5), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề và Thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức "Phiên tòa giả định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định" (chống khai thác IUU).

Đại tá Bùi Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP tỉnh Sóc Trăng phát biểu khai mạc Phiên toà giả định
Đại tá Bùi Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP tỉnh Sóc Trăng phát biểu khai mạc Phiên toà giả định

Phiên tòa giả định được Toà án tỉnh Sóc Trăng xây dựng tình huống, tuyên truyền tới ngư dân về việc xử lý hình sự đối với các tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” và “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại khoản 1 Điều 242 và khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

Theo kịch bản cáo trạng, khoảng 05 giờ 30 phút ngày 15/12/2023, tại khu vực Bến tàu cá thuộc ấp X, xã AT, huyện C, tỉnh S, Tổ công tác thuộc Đồn biên phòng AT phối hợp lực lượng Công an kiểm tra tàu đánh cá số hiệu SS-S1-TS do Trịnh Văn Tân đứng tên đăng ký chủ sở hữu tàu, dùng làm phương tiện đánh bắt thủy sản, theo giấy phép khai thác thủy sản số X1/2022/SS-GPKTTS ngày 20/12/2022 do UBND tỉnh S cấp được khai thác nguồn lợi thủy sản bằng lưới rê, hoạt động ven biển tỉnh S (trừ vùng cấm) có thời hạn đến ngày 20/12/2023.

Phiên toà giả định hình thức tuyên truyền thu hút rất đông bà con khu vực biên giới biển tham gia
Phiên toà giả định là hình thức tuyên truyền thu hút rất đông bà con khu vực biên giới biển tham gia

Tối ngày 14/12/2023, Tân điều khiển tàu cá đến khu vực ven biển thuộc tỉnh S, Tân đã dùng lưới và dụng cụ kích điện để khai thác thủy sản thu được khoảng 9,8kg thủy sản các loại. Đối với 01 cá thể Vích và 01 cá thể Đồi mồi là do Tân mua của chủ tàu cá khác (không rõ lai lịch) với giá 5 triệu đồng để bán lại kiếm lời. Đến gần sáng ngày 15/12/2023, Tân cho tàu chạy vào bờ để bán thủy sản đánh bắt được thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ngoài ra Tân còn khai nhận, vào ngày 15/10/2023, Tân sử dụng kích điện khai thác thủy sản đã bị Đồn trưởng Đồn biên phòng AT kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng về hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Qua quá trình điều tra, Trịnh Văn Tân khai nhận: Qua tìm hiểu, Tân biết việc sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản dễ hơn, hiệu quả hơn việc thực hiện đánh bắt lưới như thông thường. Tháng 8/2023, Tân mua bộ kích điện, mục đích để đánh bắt thủy sản và thuê ông Trần Minh Út làm việc tại tàu theo sự chỉ đạo của Tân như cùng kéo, thả lưới để khai thác thủy sản, phân loại thủy sản đã được khai thác... Với phương thức đấu nối từ một ắc quy đến một bộ kích điện, rồi từ bộ kích điện nối đến miệng của lưới đánh cá cuộn trên hệ thống tời gắn cố định trên tàu.

Người làm chứng Trần Minh Út khai nhận được Trịnh Văn Tân thuê đi theo tàu cá khai thác thủy sản từ đầu tháng 10/2023 đến khi Tân bị bắt. Công việc của Út là cùng với Tân kéo, thả lưới để khai thác thủy sản, phân loại thủy sản đã được khai thác. Tối ngày 14/12/2023, Tân điều khiển tàu cá đến khu vực ven biển thuộc tỉnh S, Tân đã dùng lưới và dụng cụ kích điện để khai thác thuỷ sản thu được khoảng 9,8kg thủy sản các loại. Đối với 01 cá thể Vích và 01 cá thể Đồi mồi, Út thấy Tân mua của chủ tàu cá khác nhằm bán lại kiếm lời.

Tại các Kết luận giám định mẫu loại thuỷ sản trên thuộc các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Công ước Quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Các bộ kích điện hoạt động trong môi trường nước biển thì sẽ gây nguy hiểm cho người và thủy hải sản khi tiếp xúc với nước trong phạm vi giữa 02 điện cực...

 Lãnh đạo Tòa án, BĐBP Sóc Trăng trao quà đến bà con ngư dân tham gia buổi tuyên truyền
Lãnh đạo Tòa án, BĐBP Sóc Trăng trao quà đến bà con ngư dân tham gia buổi tuyên truyền

Xét thấy có đủ căn cứ nên ngày 15/02/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Tân về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” và tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” và VKSND cùng cấp đã truy tố bị cáo Trịnh Văn Tân ra trước Tòa án về các tội danh nêu trên.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, đại diện VKSND và luật sư bào chữa; căn cứ tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định, HĐXX tuyên bố bị cáo Trịnh Văn Tân phạm tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” và tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Tân 6 tháng tù giam về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” và 1 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Tổng hợp hình phạt của cả hai tội, buộc bị cáo Trịnh Văn Tân chấp hành hình phạt chung là 1 năm 6 tháng tù giam.

Thông qua Phiên tòa giả định này nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho ngư dân về khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, vùng biển quốc tế.

Hoạt động này còn thể hiện sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng và chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác hải sản, từng bước chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Qua đó, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.