Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Số người chết do COVID-19 ở Ấn Độ cao kỷ lục, “biển người” Trung Quốc đi du lịch trong dịch bệnh

PV - 10:45, 03/05/2021

Đến sáng 3/5, thế giới có trên 153,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,21 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 153,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Hơn 153,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,1 triệu ca mắc và hơn 591.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 26.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 19,9 triệu người đã nhiễm bệnh. Ngày 2/5, Ấn Độ báo cáo trên 370.000 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất thế giới. Như vậy, nước này đã trải qua hơn 10 ngày liên tiếp có số ca nhiễm mới hàng ngày trên 300.000 trường hợp. Bang Haryana, bang tiếp giáp với bang Delhi, quyết định áp lệnh phong tỏa trên toàn bang từ ngày 2/5 và lệnh phong tỏa kéo dài trong 1 tuần. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa ban hành một lệnh phong tỏa toàn quốc trước làn sóng dịch bệnh lần này.

Tình hình dịch bệnh tại tâm chấn này chưa có dấu hiệu lắng xuống khi ngày 2/5, Ấn Độ ghi nhận số người tử vong do COVID -19 kỷ lục với trên 3.400 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận hơn 3.000 ca tử vong mỗi ngày. Thủ đô New Delhi và một số bang khác ở nước này đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa.

Một nhóm cố vấn khoa học Ấn Độ đã cảnh báo Chính phủ nước này về sự xuất hiện của các đột biến virus SARS-CoV-2 có thể tạo thành biến chủng có khả năng tránh né kháng thể. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, những thay đổi trong virus SARS-CoV-2 có thể giúp chúng qua mặt được các kháng thể để tấn công con người. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy, chủng mang đột biến trên đang lây lan và các nhà khoa học cần thêm nhiều nghiên cứu. Hiện giới khoa học đang nghiên cứu biến chủng đứng sau đợt bùng dịch nghiêm trọng ở Ấn Độ gần đây, cụ thể là liệu biến chủng B.1.617 có phải là nguyên nhân chính hay không. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa xếp B.1.617 vào nhóm "biến chủng gây quan ngại" như với biến chủng lần đầu phát hiện ở Anh, Brazil hay Nam Phi nhưng vẫn phát đi cảnh báo về khả năng lây lan của đột biến mới này.

Trong lúc này, cộng đồng quốc tế đang tăng cường các nỗ lực hỗ trợ Ấn Độ ứng phó đại dịch. Máy tạo ô xy, vật tư y tế, vaccine và thuốc men của Nga, Uzbekistan, Bỉ, Đức đã được đưa tới quốc gia Nam Á này. Pháp hỗ trợ Ấn Độ 8 máy tạo ô xy cỡ lớn. Mỗi máy có thể cung cấp ô xy cho 250 giường bệnh, hoạt động bền bỉ trong 12 năm. Dự kiến, các máy này sẽ được đặt tại 8 bệnh viện ở thủ đô New Delhi và các bang khác tại Ấn Độ.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 28.900 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 407.600 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 14,7 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tại châu Âu, ngày 2/5, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ 132 người trong một bữa tiệc phản đối phong tỏa tại công viên ở thủ đô Brussels. Hơn 1.000 người, chủ yếu là thanh niên, đã tụ tập trong bữa tiệc để phản đối các hạn chế được áp đặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Cảnh sát Bỉ đã phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán bữa tiệc bị cấm này. Ba cảnh sát đã phải nhập viện và hàng chục người bị thương nhẹ. Bữa tiệc xuất phát từ lời kêu gọi trên mạng xã hội. Thủ tướng Bỉ đã kêu gọi, người dân đoàn kết và "không mắc bẫy" những người kêu gọi tổ chức sự kiện này. Hiện Bỉ xác nhận trên 993.400 người mắc COVID-19 và hơn 24.200 trường hợp thiệt mạng.

Ngày 2/5, Campuchia tiếp tục ghi nhận thêm đến 730 ca dương tính COVID-19, tăng gần gấp đôi so với ngày 1/5, trong đó có 458 ca ở thủ đô Phnom Penh, ở tỉnh Preah Sihanouk 122 trường hợp, tỉnh Kandal 103 và ở 10 địa phương khác 47 ca. Hiện 24/25 tỉnh, thủ đô ở Campuchia đã có ca lây nhiễm COVID-19. Thủ tướng Campuchia Hun Sen chỉ đạo đẩy nhanh việc tiêm vaccine COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh. Ngày 1/5, lực lượng quân y Campuchia đã mở chiến dịch tiêm quy mô lớn cho khoảng 500.000 người tại "vùng đỏ", nơi có mức độ lây nhiễm cao ở thủ đô Phnom Penh.

Tính tới sáng 3/5, Campuchia đã có trên 14.500 người nhiễm COVID-19, trong đó có 103 người tử vong và hơn 9.000 người đang điều trị. Lo ngại hiện nay là dịch bệnh COVID-19 đang lây lan sang nhiều địa phương khác trên toàn Campuchia.

Thái Lan ghi nhận gần 2.000 ca mắc mới và 21 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 2/5. (Ảnh: AP)
Thái Lan ghi nhận gần 2.000 ca mắc mới và 21 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 2/5. (Ảnh: AP)

Thái Lan ghi nhận gần 2.000 ca mắc mới và 21 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 2/5. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát tại Thái Lan. Chính quyền thủ đô Bangkok đang đẩy nhanh việc mở rộng bệnh viện dã chiến và bệnh viện - khách sạn để đối phó với làn sóng COVID-19 thứ 3. Bangkok đang xây dựng bệnh viện dã chiến thứ 5 với sức chứa 400 bệnh nhân. Thủ đô Bangkok trong ngày 2/5 vẫn dẫn đầu danh sách các địa phương có nhiều ca mắc mới COVID-19, chiếm hơn 1/4 trong tổng số gần 2.000 người nhiễm mới được ghi nhận trên toàn quốc. Bangkok cũng có 8 trong tổng số 21 bệnh nhân tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua.

Ngày 2/5, Bộ Y tế Lào cho biết, số ca mắc mới virus SARS - CoV 2 ghi nhận trong ngày tại nước này trong 24 giờ qua đã tăng mạnh lên mức 3 chữ số với 112 ca mắc mới tại 6 tỉnh thành. Đây là lần thứ 2 chỉ trong một tuần qua, Lào ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 3 chữ số. Bộ Y tế Lào cho biết, sau 5 ngày duy trì ở mức 2 con số và có xu hướng giảm, số ca mắc mới COVID-19 tại Lào đã tăng mạnh khi ghi nhận tới 60 ca ở tỉnh Bokeo.

Với số ca mắc mới tăng gần 2 lần so với ngày 1/5, đến nay Lào đã có 933 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 880 trường hợp được ghi nhận từ đầu tháng 4 đến nay và hầu hết là các ca mắc mới trong cộng đồng. Ngoài 3 tỉnh chưa có ca mắc COVID-19 là tỉnh Houaphanh, Xaisomboun và Attapeu, tỉnh Sekong, tỉnh có chung đường biên giới với hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, cũng không còn ca nhiễm COVID-19 nào sau khi các ca nhiễm bệnh ở tỉnh này đều đã được ra viện.

Tại buổi họp báo trong chiều 2/5, Bộ Y tế Lào cho biết, đến nay đã có 45 người Việt tại thủ đô Vientiane mắc COVID-19, không bao gồm bà con Việt kiều. Theo Bộ Y tế Lào, hiện cả 3 bệnh viện Trung ương ở thủ đô Vientiane với tổng cộng 216 giường đã được lấp đầy bệnh nhân, trong khi đó các bệnh viện dã chiến đã bắt đầu hoạt động. Hiện Lào đang khẩn trương tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhân viên y tế để đảm bảo khả năng ứng phó, tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân mắc mới COVID-19 trong thời gian tới.

Cùng ngày, Malaysia đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ. Bộ Y tế Malaysia cho biết, ca bệnh này là một công dân Ấn Độ, được xét nghiệm tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Trước đó, vào ngày 28/4, Malaysia đã cấm các chuyến bay qua lại với Ấn Độ và cấm nhập cảnh đối với mọi du khách từng đến quốc gia Nam Á này. Ngày 2/5, Malaysia ghi nhận hơn 3.400 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 415.000 trường hợp, bao gồm trên 1.500 bệnh nhân tử vong.

Ngày 1/5, Trung Quốc bắt đầu kỳ nghỉ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày. Bộ Giao thông vận tải nước này ước tính, có khoảng 265 triệu chuyến đi nội địa trong kỳ nghỉ này. Con số này tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 và gần với mức của năm 2019. Một số điểm thăm quan du lịch tại Trung Quốc đã rơi vào tình trạng quá tải. Tại Vạn Lý Trường Thành, ước tính có tới hàng chục nghìn du khách đã đến đây trong ngày 1/5. Do quá đông người đổ về địa điểm du lịch nổi tiếng này cùng lúc, khách du lịch đã rất vất vả để di chuyển.

Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu cũng dự kiến đón số lượng lớn khách du lịch nội địa. Lưu lượng xe trên các tuyến cao tốc tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2020 do người dân sử dụng nhiều phương tiện cá nhân.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.