Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Số ca lây nhiễm COVID-19 tại Lào tăng trở lại, Hàn Quốc 3 ngày liên tiếp có 2.000 ca mắc mới/ngày

PV - 10:17, 09/10/2021

Đến sáng 9/10, thế giới có trên 237,89 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,85 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 237,89 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Đến nay, hơn 237,89 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 45 triệu ca mắc và gần 731.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 65.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mỹ tiếp tục vận động tiêm chủng bắt buộc nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông điệp này được Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh khi tới bang Ilinois trong nỗ lực kêu gọi người dân Mỹ tích cực hơn trong việc tiêm  vaccine phòng COVID-19 .

Bộ Lao động Mỹ hiện đang soạn thảo quy định yêu cầu các doanh nghiệp với hơn 100 nhân viên (cả trong khu vực công và tư) phải tiêm chủng đầy đủ cho nhân viên, nếu không sẽ phải xét nghiệm COVID-19 ít nhất 1 lần mỗi tuần. Quy định này sẽ áp dụng cho khoảng 100 triệu người lao động và 2/3 doanh nghiệp tại Mỹ. Tháng 9, Nhà Trắng đã quyết liệt hơn khi yêu cầu nhân viên liên bang phải tiêm phòng và thông báo quy định bắt buộc việc tiêm phòng tại các công ty lớn.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 8/10, nước này ghi nhận hơn 19.800 ca mắc mới COVID-19 và 248 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 33,9 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 450.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Ấn Độ sẽ bắt đầu mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài nhập cảnh thông qua các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10, sau hơn 1 năm đóng cửa do đại dịch COVID-19. Theo Bộ Nội vụ Ấn Độ, khách du lịch nước ngoài và các hãng hàng không vận chuyển du khách đến nước này đều phải tuân thủ tất cả các quy định và chuẩn mực liên quan đến phòng dịch COVID-19 của Bộ Y tế liên bang.

Hiện số ca nhiễm tại đất nước có 1,3 tỷ dân này đã giảm đáng kể, xuống mức 20.000 ca nhiễm mới và khoảng 200 - 300 người tử vong mỗi ngày. Tình hình dịch bệnh được cải thiện khiến nhà chức trách Ấn Độ quyết định mở cửa cho du lịch nhằm vực dậy nền kinh tế.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 18.100 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 600.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 21,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Anh thông báo, từ ngày 11/10 tới sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly phòng dịch COVID-19 đối với du khách đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nằm trong "danh sách đỏ", trong đó có Nam Phi và Thái Lan, đồng thời nới lỏng các quy định đối với một số nước, trong đó có Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. "Danh sách đỏ" của Chính phủ Anh gồm các nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao, theo đó những người đến từ các quốc gia này phải cách ly 10 ngày tại khách sạn do Chính phủ chỉ định, đồng thời phải thực hiện xét nghiệm PCR và các xét nghiệm khác.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps ngày 7/10 cho biết, 47 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ được loại khỏi danh sách đỏ và sẽ chỉ còn lại 7 quốc gia trong danh sách này, trong đó có Colombia, Ecuador, Panama và Venezuela.

Anh hiện ghi nhận tổng cộng trên 8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 137.500 trường hợp tử vong.

Anh hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới với rên 8 triệu ca mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Anh hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới với rên 8 triệu ca mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

Trong bối cảnh thành phố Sydney thuộc bang New South Wales của Australia chuẩn bị dỡ bỏ đợt phong tỏa kéo dài hơn 100 ngày qua để phòng chống dịch COVID-19, một số chuyên gia cảnh báo, việc nới lỏng quá nhanh các quy định hạn chế tại thành phố đông dân nhất Australia này có thể tạo sức ép đối với hệ thống y tế và đe dọa tính mạng người dân.

Hiệp hội Y khoa Australia (AMA), đại diện cho các bác sĩ nước này, cảnh báo, việc mở cửa "quá sớm hoặc quá nhanh" sẽ dẫn đến các ca tử vong đáng lẽ có thể tránh và nguy cơ thành phố có thể bị phong tỏa trở lại. Trong một thông báo đưa ra vào cuối ngày 7/10, Chủ tịch AMA Omar Khorshid khuyến cáo bang New South Wales "không nên hấp tấp trong thời điểm quan trọng này".

Tuy nhiên, Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet bảo vệ quyết định nới lỏng các hạn chế trong bối cảnh số ca nhiễm tại bang này đang giảm dần, nhấn mạnh "đại dịch cũng gây khủng hoảng kinh tế".

Australia đang đối phó với làn sóng COVID-19 thứ 3 gây ra do  biến thể Delta , khiến 2 thành phố đông dân nhất là Sydney và Melbourne cùng với thủ đô Canberra phải áp dụng biện pháp phong tỏa. Giới chức nước này đã lên kế hoạch dần nới lỏng các biện pháp hạn chế khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho người lớn đạt 70%, 80% và 90% nhằm thúc đẩy nền kinh tế, tránh rơi vào suy thoái lần thứ hai sau 3 thập niên tăng trưởng liên tục.

New Zealand ngày 8/10 thông báo, nước này có thêm 47 ca nhiễm mới. Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, New Zealand ghi nhận tổng số 4.527 ca nhiễm COVID-19. Dù số ca nhiễm mới tại ổ dịch Auckland vẫn tăng lên hàng ngày nhưng Thủ tướng Jacinda Ardern hồi đầu tuần này đã thông báo lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế cho thành phố này. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh phải hành động một cách thận trọng.

Ukraine đã ra quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với giáo viên và một số công chức nhà nước trong bối cảnh nước này ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm tăng và tiến độ tiêm chủng chậm chạp. Theo Bộ Y tế Ukraine, giáo viên các trường học, đại học và một số công chức sẽ có 1 tháng để tiêm liều vaccine đầu tiên, nếu không muốn bị đình chỉ công việc mà không được trả lương. Bộ trên cho biết, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, 46% giáo viên ở nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.

Hiện Ukraine đang sử dụng 4 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có vaccine của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna. Tuy nhiên, chỉ 16% dân số nước này đã hoàn thành tiêm chủng. Đến nay, Ukraine ghi nhận hơn 2,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 57.000 người thiệt mạng kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.

Ngày 8/10, Hàn Quốc và Singapore đã nhất trí dỡ bỏ hoặc nới lỏng quy định cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Theo đó, từ ngày 15/11, hành khách đã tiêm phòng đến từ Hàn Quốc nhập cảnh Singapore sẽ không bắt buộc phải thực hiện cách ly 7 ngày theo quy định hiện hành ở Singapore. Khách nhập cảnh sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ từ trước đó ít nhất hai tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ hoặc 72 giờ qua. Ngoài ra, quy định này cũng chỉ áp dụng đối với hành khách đã ở lại quốc gia khởi hành ít nhất hai tuần trước khi rời đi và với các chuyến bay trực tiếp.

Hàn Quốc hiện đã cho phép miễn cách ly đối với người nhập cảnh đến từ hầu hết các nước, bao gồm cả Singapore, nhưng chỉ với những lý do rất thiết yếu như nhân đạo, thăm gia đình, công tác... Sau thỏa thuận này, Hàn Quốc và Singapore cũng có kế hoạch nối lại thỏa thuận miễn thị thực vốn bị đình chỉ từ tháng 4/2020.

Ngày 8/10, Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 731 ca mắc mới COVID-19 và 1 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca lây nhiễm COVID-19 tại Lào tăng trở lại. Trong số các ca mắc mới, có tới 726 trường hợp cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Vientiane tiếp tục là điểm nóng về dịch khi ghi nhận 450 trường hợp trong một ngày, buộc các nhà chức trách đưa 178 bản tại 7 quận vào danh sách "vùng đỏ".

Bộ Y tế Lào cho biết, ca tử vong thứ 24 do COVID-19 tại nước này là một phụ nữ 50 tuổi ở tỉnh Vientiane có bệnh nền tiểu đường và suy thận. Đáng chú ý, các ca tử vong do COVID-19 tại nước này hầu hết đều chưa được tiêm phòng vaccine và đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Bộ Y tế Lào khẳng định, tiêm chủng là biện pháp quan trọng để giảm thiểu biến chứng nặng và rủi ro tử vong, vì vậy người dân tiếp tục được kêu gọi đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm bảo vệ bản thân và gia đình.

Hiện có hơn 3 triệu người tại Lào đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi có trên 2 triệu người đã tiêm đủ liều. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 26.876 trường hợp, trong đó có 24 người tử vong.

Tại Malaysia, việc tiêm mũi tăng cường sẽ không bắt buộc. (Ảnh: AP)
Tại Malaysia, việc tiêm mũi tăng cường sẽ không bắt buộc. (Ảnh: AP)

Tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh, nếu tình hình dịch COVID-19 ổn định trong 15 ngày liên tiếp tính từ sau khi kết thúc dịp nghỉ lễ Pchum Ben từ ngày 5 - 7/10, nước này sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn và người dân sẽ phải điều chỉnh lại cuộc sống theo hướng bình thường mới. Ông Hun Sen nói rằng, diễn biến đại dịch tại Campuchia đang ổn định với số ca tử vong vì COVID-19 trung bình ở dưới mức 20 ca/ngày. Trong vòng 10 - 15 ngày tới, nếu Campuchia kiểm soát được số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở mức như hiện nay, đó là lúc mở cửa nền kinh tế và xã hội ở tất cả các lĩnh vực và người dân buộc phải thích ứng theo trạng thái bình thường mới, tức là vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 18 ca tử vong và 203 người mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 9 trường hợp nhập cảnh. Như vậy, ngày 8/10 là ngày thứ 8 liên tiếp số ca mắc COVID-19 ở Campuchia ở mức trên dưới 200 ca/ngày, theo cách tính mới được áp dụng kể từ ngày 1/10/2021 dựa vào kết quả xét nghiệm PCR. Tính đến ngày 8/10, Campuchia phát hiện tổng cộng 114.351 ca mắc COVID-19, trong đó 106.839 người đã khỏi bệnh và 2.459 bệnh nhân thiệt mạng.

Bộ Y tế Malaysia ngày 8/10 cho biết đã cấp phép có điều kiện đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech làm mũi tiêm tăng cường. Theo đó, mũi vaccine của hãng Pfizer-BioNTech tăng cường chỉ được phép áp dụng đối với người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, và được tiêm ít nhất sau 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai.

Trước đó, giới chức Malaysia cho biết, việc tiêm mũi tăng cường sẽ không bắt buộc nhưng đặc biệt khuyến nghị sử dụng đối với những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc kết hợp các loại vaccine khác nhau cũng sẽ được phép áp dụng với mũi tiêm tăng cường. Ngoài vaccine của hãng Pfizer, Malaysia cũng đang sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 của các hãng AstraZeneca (Anh), Sinovac và CanSino Biologics (Trung Quốc) trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia.

Đến nay, khoảng 64% trong tổng số 32 triệu dân của Malaysia đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, trong đó người lớn chiếm 89%.

Thời gian cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh Indonesia sẽ được rút ngắn từ 8 ngày xuống còn 5 ngày. Phát biểu tại một sự kiện được tổ chức tại Yogyakarta vào ngày 8/10, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Sandiaga Uno nêu rõ, chính sách này được thực thi trên cơ sở chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo tại cuộc họp một ngày trước đó. Theo ông, Chính phủ Indonesia đã nhận được sự đảm bảo của Bộ Y tế về việc rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, tính đến 0h ngày 8/10, Hàn Quốc phát hiện thêm 2.176 ca COVID-19 mới, trong đó có 2.145 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 31 người nhập cảnh. Số ca nhiễm mới đã giảm 249 ca so với ngày hôm trước, nhưng 3 ngày liên tiếp ở mức trên 2.000 trường hợp. Số bệnh nhân nguy kịch tăng thêm 2 người, lên 377 ca. Số ca tử vong tăng thêm 10 bệnh nhân, lên 2.554 ca, tỷ lệ tử vong tại Hàn Quốc là 0,78%.

Cũng tính đến 0h ngày 8/10, 39,86 triệu người (tương đương 77,6% dân số) tại Hàn Quốc đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 29,22 triệu người đã tiêm đủ 2 liều, đạt 56,9% dân số. Nếu chỉ xét riêng dân số trên 18 tuổi, tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi đạt 90,3%.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), sau 51 ngày liên tục không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chiều 7/10, vùng lãnh thổ này đã ghi nhận một ca mắc COVID-19 mang virus đột biến L452R và hiện vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm. Bệnh nhân là nam giới, 48 tuổi, đã hoàn thành việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac do Trung Quốc sản xuất.

Hiện Hong Kong là một trong những nơi có chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Kể từ khi bùng phát dịch đến nay, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 12.254 ca mắc, trong đó 213 trường hợp tử vong. Đến nay, 67,3% người dân thành phố đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.