Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn của nhà nông

Sẽ có thương hiệu tinh dầu sả Ea Tir

PV - 20:54, 09/04/2018

Từ vùng đất cằn cỗi, sỏi đá không thể phát triển được, người dân xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk đã chuyển hướng trồng sả để sản xuất tinh dầu. Nhờ đó mà nhiều hộ đã thoát nghèo, không ít hộ đã trở thành hộ khá giả với thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Chuyển đổi cây trồng

Giữa mùa mưa, cánh đồng sả Ea Tir bạt ngàn, đầy sức sống, dấu hiệu về cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS nghèo nơi đây. Xã Ea Tir có 9 thôn, buôn với 1.028 hộ dân, trong đó 84% là đồng bào DTTS thuộc 14 dân tộc cùng sinh sống.

Nhiều người dân thoát nghèo nhờ cây sả. Nhiều người dân thoát nghèo nhờ cây sả.

 

Toàn xã có khoảng 10 nghìn héc ta đất tự nhiên, thì có đến 6 nghìn héc ta đất cằn, sỏi đá không thể canh tác cây công nghiệp, cây ăn quả, còn cây nông nghiệp ngắn ngày thì năng suất rất thấp nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Quyết tâm vượt lên đói nghèo, một số hộ dân đã tự học hỏi, mạnh dạn chuyển hướng trồng sả chưng cất tinh dầu, bước đầu mang lại thu nhập cao.

Ông Mông Văn Mậu, thôn 1 là một trong những hộ đầu tiên trồng sả trên đất sỏi đá ở xã Ea Tir. Thời gian đầu ông chỉ trồng thử nghiệm, rồi mở rộng diện tích dần dần, đến nay ông đã có 5ha sả đang cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch sả là 45 ngày/1 lần.

Cây sả sau khi thu hoạch sẽ được chưng cất thành tinh dầu bán cho các công ty ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với giá từ 250.000-330.000 đồng/lít. Trừ chi phí sản xuất và nhân công, mỗi năm gia đình ông Mậu còn lãi từ 600-700 triệu đồng. Riêng bã lá sả, sau khi chưng cất tinh dầu ông Mậu đã cho ủ thành phân hữu cơ để cải tạo đất hoặc bón cho cây trồng khác.

“Trồng sả trên đất cằn vừa khắc phục được điều kiện đất xấu, mang lại hiệu quả kinh tế và còn tận dụng làm phân bón cho cây trồng khác”, ông Mậu phấn khởi khoe.

Theo ông Vương Văn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tir, thị trường hiện nay cũng rất ưa chuộng tinh dầu sả. Việc trồng và chăm sóc cây sả cũng khá đơn giản, không cần phải phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, cây sả cho thu hoạch liên tục trong khoảng 5 năm mới cần trồng lại, chi phí đầu tư chăm sóc thấp. Ngoài ra, lá của cây sả sau khi được tách tinh dầu còn được tận dụng làm phân hữu cơ, bón cho cây tiêu, giúp tăng sức đề kháng của cây tiêu chống sâu bệnh và tăng năng suất.

Thương hiệu tinh dầu sả Ea Tir

Nhận thấy cây sả phù hợp trên đất sỏi đá ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, rất nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sả. Đến nay, toàn xã Ea Tir đã có 40 hộ trồng sả, với diện tích hơn 100ha trên đất sỏi đá.

Để giúp đỡ các hộ dân an tâm sản xuất, tháng 2/2016, UBND xã Ea Tir đã thành lập Tổ hợp tác trồng sả, nhằm liên kết các hộ dân trồng sả; thống nhất từ khâu sản xuất đến việc sản xuất ra tinh dầu sả đảm bảo chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Đến nay, Tổ hợp tác trồng sả đã có 10 hộ tham gia. Ông Mông Văn Mậu được bầu làm Tổ trưởng. Thời gian qua, các thành viên trong Tổ cũng đã tham gia tư vấn, giúp đỡ kỹ thuật canh tác sả cho những hộ mới trồng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ea Tir cho biết: Hiệu quả kinh tế từ việc trồng sả lấy tinh dầu đã được chứng minh. Chính quyền địa phương xác định, trồng sả lấy tinh dầu là hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo. Vì vậy, xã khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất sỏi đá sang trồng sả lấy tinh dầu. Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa các hộ trồng sả xây dựng thương hiệu tinh dầu sả Ea Tir. Hiện, xã đang xúc tiến việc thành lập HTX trồng sả, dự kiến tháng 9/2017 sẽ ra mắt HTX.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V, năm 2024 sẽ diễn ra vào đầu tháng 10

Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V, năm 2024 sẽ diễn ra vào đầu tháng 10

Để kịp thời đánh giá, ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V, năm 2024.