Tham dự còn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo - Thường trực; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Lễ Tuyên dương.
Thay mặt Ban Tổ chức báo cáo dự thảo kế hoạch tổ chức Lễ Tuyên dương, ông Lê Công Bình, Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển, Trưởng ban Tổ chức Lễ Tuyên dương cho biết: Lễ Tuyên dương năm nay có chủ đề “Đường đến ước mơ”. Mục đích nhằm tuyên dương HSSV, thanh niên DTTS là những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu trong quá trình học tập, rèn luyện và phấn đấu trên các lĩnh vực; đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước. Cũng là dịp để HSSV, thanh niên DTTS gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên.
Theo đó, đối tượng tuyên dương năm nay là HSSV là người DTTS có một trong các thành tích sau trong năm học 2021 - 2022: Đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi Olympic hoặc kỳ thi khoa học - kỹ thuật khu vực Đông Nam Á, Châu Á, Quốc tế. Đạt giải Nhất, Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc kỳ thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia.
Tốt nghiệp THPT năm 2022, đã trúng tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường đại học, học viện, đạt số điểm từ 27,5 điểm trở lên theo tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 - 2022 (không tính điểm ưu tiên, điểm tăng do nhân hệ số theo quy định của một số trường), có học lực xếp loại khá, hạnh kiểm xếp loại tốt trong 3 năm học THPT.
Đạt giải Nhất, Nhì (hoặc Huy chương Vàng, Bạc) trong các cuộc thi nghệ thuật (ca, múa, nhạc, họa) và thi đấu thể thao cấp quốc gia. Giải Nhất, Nhì, Ba (hoặc Huy chương Vàng, Bạc, Đồng) trong các kỳ thi nghệ thuật (ca, múa, nhạc, họa) và thi đấu thể thao khu vực Đông Nam Á, Châu Á và quốc tế... Và một số đối tượng thuộc các tiêu chí khác.
Lễ tuyên dương được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào đầu tháng 12/2022, được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Các hoạt động chính dự kiến diễn ra trong khuôn khổ Lễ Tuyên dương gồm: Lễ Báo công dâng Bác và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan Khu di tích Phủ Chủ tịch; gặp mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ghi sổ Vàng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám; Gala Dinner tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam…
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Lễ Tuyên dương đã thảo luận, cho ý kiến về chủ đề và một số nội dung cụ thể liên quan đến Kế hoạch tổ chức Lễ tuyên dương như: Tiêu chí lựa chọn đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức, kịch bản chương trình, công tác vận động tài trợ, các hoạt động bên lề, công tác truyền thông…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ Tuyên dương. Thống nhất với chủ đề của Lễ Tuyên dương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị quy mô tổ chức Lễ Tuyên dương không vượt quá số lượng 150 HSSV, thanh niên; bảo đảm cơ cấu hợp lý cho các nhóm đối tượng. Hình thức tổ chức theo hình thức Hội nghị và sân khấu hóa, phù hợp cho từng hoạt động cụ thể của chuỗi sự kiện.
Cho ý kiến cụ thể về thời gian, địa điểm tổ chức các hoạt động, Bộ trưởng, Chủ nhiệm yêu cầu Ban Tổ chức xem xét tùy theo quy mô, tính toán phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát sóng, truyền hình trực tiếp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đề nghị Ban Tổ chức hoàn thiện, cụ thể hóa các tiêu chí đối với từng nhóm đối tượng, trên tinh thần đổi mới, tạo điểm nhấn hướng tới đối tượng HSSV, thanh niên DTTS có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên. Ban Tổ chức xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động, phân công nhiệm vụ rõ ràng. “Trước ngày 20/8, Ban Tổ chức hoàn thiện kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ toàn bộ các hoạt động của Lễ Tuyên dương”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh, công tác tuyên truyền trước, trong, sau Lễ Tuyên dương phải đặc biệt được quan tâm, chú trọng, bằng mọi hình thức, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.