Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sắp xếp, sáp nhập các cơ quan cấp tỉnh: Vì lợi ích chung phải vượt qua rào cản

PV - 09:31, 10/10/2018

Việc sắp xếp, tinh giản bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là một nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, nhất là trong việc sáp nhập các cơ quan cấp tỉnh.

Những địa phương đi đầu

Đến thời điểm này, vẫn còn địa phương khá “rụt rè” thực hiện sắp xếp, sáp nhập bộ máy để chờ… Trung ương hướng dẫn. Đặc biệt, với các cơ quan cấp tỉnh, những trường hợp sắp xếp, sáp nhập đến thời điểm này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vậy nên, từ ngày 15/7/2018, tỉnh Lào Cai tiên phong sáp nhập Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng thành một (Sở Giao thông vận tải-Xây dựng Lào Cai) đã thực sự gây tiếng vang lớn. Sau khi sáp nhập hai Sở thành một, theo tính toán ban đầu của Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai, Ban Giám đốc giảm được 4 người, lãnh đạo cấp Phòng giảm 9 người và giảm 7 nhân viên các mảng văn thư, kế toán, phục vụ khác.

sáp nhập các cơ quan cấp tỉnh Tinh gọn bộ máy hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn. (Ảnh minh họa)

Nhưng “cái được” lớn nhất là sau Lào Cai, một số địa phương khác cũng đã quyết liệt “gom” các cơ quan cấp tỉnh trên cơ sở tương đồng chức năng, nhiệm vụ. Ngày 24/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã tổ chức lễ công bố quyết định thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức-Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành cơ quan Kiểm tra-Thanh tra tỉnh; Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh hợp thành Đảng bộ khối Cơ quan-Doanh nghiệp tỉnh. Sau khi hợp nhất, Hà Giang giảm được 3 đầu mối cơ quan cấp tỉnh, 18 đơn vị cấp phòng, 8 biên chế…

Từ khi có chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhiều ý kiến cho rằng, đây thực sự là một việc rất khó. Khó là bởi, tinh gọn là động chạm đến quyền lợi của “anh em, bằng hữu”. Đặc biệt là tâm lý “tách ra hân hoan, sáp nhập mấy ai đồng ý” như chính Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã từng chia sẻ.

Nhưng Lào Cai, Hà Giang-hai tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, những địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đã làm được một bước. Điều này cho thấy, dù khó đến mấy nhưng vẫn có thể thực hiện nếu có quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là sự tiên phong của người đứng đầu, phải gương mẫu, vượt qua chính mình, loại bỏ lợi ích cá nhân; quyết tâm xây dựng bộ máy thực sự năng lực, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Hiến kế vượt rào cản

Rõ ràng, để sắp xếp, tinh gọn bộ máy không thể thiếu quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu. Bởi việc tinh gọn bộ máy có rất nhiều rào cản; nhất là nên “gọn” chỗ nào, “tinh” chỗ nào cho hợp lý, hợp tình cũng là việc không hề dễ dàng.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, một trong những cái khó nhất của việc tinh gọn bộ máy là sắp xếp nhân sự, bởi việc tinh gọn dẫn tới việc xuất hiện việc dôi dư cán bộ. Đây cũng chính là bài toán rất khó giải của các địa phương khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã lên tiếng “hiến kế” để giải bài toán “1 ghế” nhưng có 2-3 cấp trưởng. Theo ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, mỗi địa phương, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh phải từng bước nghiên cứu, lựa chọn, bố trí con người đúng phẩm chất, năng lực. Trong điều kiện có tới 2-3 cấp trưởng đều có năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức như nhau, cách tối ưu nhất là tổ chức thi tuyển bình đẳng, minh bạch, khách quan để chọn lựa đúng người xứng đáng.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thu Trang-đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, các địa phương cần phải xây dựng quy trình, cơ chế thật rõ ràng trong đánh giá cán bộ, công chức. Bên cạnh việc xây dựng tiêu chí, cách thức tổ chức đánh giá cần quy định rõ chế tài, cách thức sau đánh giá, như vậy mới tinh giản được những người không đáp ứng yêu cầu công việc.

Theo Bộ Nội vụ, tính từ năm 2015 đến ngày 07/9/2018, cả nước đã được tinh giản là 40.051 biên chế. Trong đó, các cơ quan Đảng, đoàn thể là 1.675 người (4,18%), các cơ quan hành chính là 4.763 người (11,89%); các đơn vị sự nghiệp công lập là 27.232 người (67.99%); cán bộ, công chức cấp xã là 6.167 người (15,4%); doanh nghiệp nhà nước là 198 người (0,49%), các tổ chức hội là 16 người (0,04%).

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.