Bà có thể cho biết, toàn tỉnh hiện có bao nhiêu điểm dân cư cách xa trung tâm bản?Trên địa bàn hiện có 322 điểm dân cư cách xa trung tâm bản (DCCXTTB), trong đó có 8 điểm cách trung tâm bản trên 10km. Trong 322 điểm thì có 208 điểm có dưới 30 hộ sinh sống, 69 điểm có từ 30-50 hộ, 39 điểm có từ 50-100 hộ, 6 điểm có trên 100 hộ. Phần lớn các điểm dân cư đều thuộc địa bàn khó khăn. Trong đó có 245 điểm thuộc bản ĐBKK giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 41/322 điểm thuộc các xã biên giới; 126 điểm thuộc các huyện nghèo 30a.
Theo kết quả rà soát mới đây, tại các DCCXTTB, đồng bào dân tộc Xinh Mun là cộng đồng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, lên tới 76,13%. Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo của một số dân tộc khác trên địa bàn cũng rất cao như: La Ha (66,73%), Khơ Mú (65,02%), Mông (64,83%), Kháng (53,4%)…
Mục tiêu của Đề án là gì, thưa bà?Xuất phát từ yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh, nhất là ở các điểm DCCXTTB, Ban Dân tộc đã tham mưu để UBND tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp, hỗ trợ ổn định các điểm dân cư cách xa trung tâm bản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025. Đề án đã được HĐND tỉnh phê chuẩn tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 21/7/2017.
Mục tiêu của Đề án là giúp đồng bào ở các điểm dân cư định canh định cư được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 theo Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà có thể chia sẻ lộ trình triển khai Đề án?Đề án được triển khai qua hai giai đoạn, với tổng nguồn vốn thực hiện 723,975 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn I (2017-2020), Đề án được bố trí khoảng 448,685 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ thành lập bản mới ở 40 điểm dân cư, ổn định tại chỗ 253 điểm, tách ghép 2 điểm dân cư, di chuyển đến nơi ở mới 12 điểm thuộc 4 huyện. Trong giai đoạn này, Đề án cũng thực hiện hỗ trợ đồng bộ cho 322 điểm dân cư về điện sinh hoạt, phát triển sản xuất, nước sinh hoạt,…
Giai đoạn II (2021-2025), với tổng kinh phí dự kiến 257,29 tỷ đồng, Đề án tiếp tục hỗ trợ đầu tư hạ tầng đồng bộ ở các điểm dân cư, hỗ trợ sản xuất để đồng bào ở các điểm dân cư ổn định cuộc sống…
Trong Đề án này, Sơn La đã xây dựng phương án sắp xếp, ổn định như thế nào để có thể đạt mục tiêu đề ra?Trong quá trình xây dựng Đề án, chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát rất kỹ các phương án. Chúng tôi xác định, các phương án thực hiện đối với từng điểm dân cư phải hướng đến mục tiêu giữ ổn định là chính, không làm xáo trộn dân cư; phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đồng bào, được đồng bào chấp thuận.
Mặt khác, phải phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng cân đối nguồn lực của địa phương.
Nguồn lực để thực hiện Đề án có gặp khó khăn gì không, thưa bà?Vốn Đề án được huy động từ nguồn Dự án điện nông thôn, Chương trình 135, 30a, 102 và ngân sách địa phương. Trong đó, giai đoạn I sẽ có 387,9 tỷ đồng từ Dự án điện nông thôn, nguồn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là 20,78 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bổ sung hơn 40 tỷ đồng.
Trong giai đoạn II, ngân sách tỉnh bố trí 200,29 tỷ đồng, nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là 75 tỷ đồng; ngoài ra ngân sách cấp huyện sẽ cân đối cấp bù trong trường hợp phát sinh ngoài mức hỗ trợ của Đề án.
Để chủ động được nguồn lực thực hiện thì chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, vận động nhân dân hiến đất, góp công sức tham gia thực hiện.
Trân trọng cảm ơn bà!SỸ HÀO