Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Cần đảm bảo tính tổng thể và hiệu quả

PV - 15:50, 11/06/2019

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã đang được ráo riết triển khai tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để việc sắp xếp đảm bảo hài hòa các yếu tố về kinh tế-xã hội-văn hóa, còn nhiều vấn đề cần phải bàn. “Không sắp xếp bằng mọi giá”… là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại nghị trường Quốc hội (kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV).

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, trong giai đoạn từ năm 2019-2021, đặc biệt năm 2019 là năm vừa rà soát các quy định pháp luật có liên quan, vừa thực hiện cơ bản việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt đến 50% cả hai tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, để sớm ổn định cho các đơn vị cấp huyện và cấp xã tổ chức Đại hội Đảng các cấp, thì Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch để sắp xếp cơ bản sẽ hoàn thành trong năm 2019. Trong giai đoạn này, sẽ thực hiện sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và quy mô dân số.

Thực hiện chủ trương này, các tỉnh đã và đang ráo riết lập các đề án sắp xếp đơn vị hành chính của cấp huyện, cấp xã. Sau khi sắp xếp bước đầu, các tỉnh, thành phố đã có những kết quả cơ bản. Đơn cử như tại tỉnh Cao Bằng đã giảm 3/13 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 4/199 đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh Hòa Bình giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh Hà Tĩnh giảm 47 đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh Thanh Hóa giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã….

Cần xem xét hài hòa các yếu tố khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã để ổn định bộ máy cán bộ, phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội. Cần xem xét hài hòa các yếu tố khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã để ổn định bộ máy cán bộ, phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội.

Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng đằng sau câu chuyện sắp xếp bộ máy vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, nhiều địa phương vẫn đang gặp lúng túng và vướng mắc khi sắp xếp. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) chỉ rõ, còn nhiều bất cập trong việc kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị; vấn đề sắp xếp lại cán bộ trong đội ngũ công chức và cán bộ không chuyên trách; việc xử lý cán bộ dôi dư và chế độ chính sách đối với họ… Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, giấy tờ công dân và các nguồn lực khác để giải quyết các vấn đề phát sinh; xử lý mối quan hệ sau sáp nhập khi các đơn vị được sáp nhập có những điều khác biệt…

Đại biểu Thưởng lấy ví dụ khi sáp nhập 3 xã hợp nhất thành 1 xã, trong đó có 1 xã nông thôn mới, 1 xã trung bình, 1 xã đang hưởng chính sách 135. Việc sát nhập như thế sẽ khó trong quá trình thực hiện chế độ chính sách như thế nào đối với đội ngũ cán bộ và người dân nơi đây.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, Chính phủ, Bộ Nội vụ cần kịp thời ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể để tạo hành lang pháp lý và cơ chế để các địa phương thuận lợi cho việc triển khai thực hiện sao cho việc sắp xếp phải căn bản, phù hợp. Nơi nào có điều kiện thuận lợi làm trước và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển, đảm bảo ổn định chính trị xã hội. Ngoài các chỉ tiêu cần đặc biệt quan tâm các tiêu chí phù hợp với phong tục tập quán và điều kiện địa lý của cộng đồng.

Có thể thấy, việc sáp nhập có tác động đến tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở, ảnh hưởng đến hoạt động và tâm lý của cán bộ. Đơn vị mới sau khi sáp nhập sẽ có diện tích lớn, quy mô dân số đông. Vấn đề đặt ra là cần bố trí sắp xếp, lựa chọn cán bộ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu khi tham gia hoạt động, quản lý trên địa bàn mới. Trên thực tế, việc sáp nhập cũng rất ảnh hưởng đến lịch sử, truyền thống văn hóa, dân tộc, phong tục, tập quán, điều kiện tự nhiên, địa lý, thiết chế văn hóa, chính sách hỗ trợ… khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định: Quan điểm của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, những nơi thuận lợi làm trước, không phải sắp xếp bằng mọi giá các đơn vị hành chính mà không bảo đảm các yếu tố thuận lợi và gây xáo trộn lớn, làm mất ổn định chính trị-xã hội. Đến nay, theo phản ánh của các địa phương, vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất là số lượng lớn cán bộ, công chức dôi dư. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để ban hành một số chính sách giải quyết theo nhu cầu thực tiễn ở các đơn vị địa phương đã được sắp xếp.

THANH HUYỀN