Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch HĐDT của Quốc hội và ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đối với địa bàn vùng DTTS và miền núi, đã có 5 tỉnh thực hiện sắp xếp giảm từ 14 xuống còn 8 đơn vị cấp huyện và 18 tỉnh thực hiện sắp xếp giảm từ 392 xuống còn 191 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, 18 tỉnh vùng DTTS và miền núi đã sắp xếp, tổ chức lại giảm từ 9.565 thôn xuống còn 4.630 thôn. Đây là một chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Việc hình thành các huyện, xã mới đã tác động đến việc phân loại địa bàn thôn, xã theo trình độ phát triển để đầu tư chính sách dân tộc. Trên cơ sở đó, HĐDT của Quốc hội thống nhất phối hợp với Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo để có cơ sở kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội thảo, đại diện một số tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Bắc Kạn... đã báo cáo về thực trạng việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn; tác động, ảnh hưởng của việc sáp nhập đến hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở địa bàn vùng DTTS và miền núi…
Theo đại biểu tỉnh Bắc Kạn sau khi sắp xếp, các đơn vị hành chính mới có điều kiện sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống hạ tầng, do đó đã khai thác được các tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, cùng với việc giảm thiểu các đầu mối, giảm số lượng cán bộ, công chức… Tuy nhiên, việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã tại các đơn vị hành chính mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn. Công tác vận động, tuyên truyền đối với cán bộ, đẳng viên và Nhân dân một số nơi chưa được thực sự sâu rộng…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông cho rằng, trong quá trình sắp xếp vướng ở đâu thì gỡ ở đó, cứ làm đúng theo văn bản nghị quyết. Đặc biệt, theo Thứ trưởng, cần quan tâm, giải quyết tư tưởng của cán bộ. Bởi chính họ là người hiểu được những khó khăn, vướng mắc ở đâu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam khẳng định, việc sáp nhập địa giới hành chính cấp huyện, thôn, bản giai đoạn 2019 - 2021 là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Có ý nghĩa về mặt kinh tế - văn hóa và mọi mặt trong đời sống của người dân. Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc chủ trương lớn của Đảng.
Cũng theo ông Dũng, việc sáp nhập có tác động tích cực đến việc tinh giản đầu mối, tinh giản bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy. Việc sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ thầng được sử dụng hiệu quả, khai thác được thế mạnh tiềm năng trên địa bàn…
Qua những kết quả trên, ông Dũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quá trình triển thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; bảo đảm kinh phí cho quá trình chuyển đổi địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn…