Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Sáng kiến bảo tồn cây thuốc Nam của sinh viên Nguyễn Văn Thuận

PV - 14:39, 13/05/2019

Đam mê chăm sóc, cải tạo vườn cây thuốc Nam, sinh viên Nguyễn Văn Thuận, ngành Bảo vệ thực vật-Trường Đại học An Giang đã ấp ủ ý tưởng triển khai dự án tạo dựng hệ thống dữ liệu số về các loại cây thuốc Nam, dùng mã vuông xác thực (QR Code) bên cạnh bảng tên cây thuốc Nam để tra cứu bằng điện thoại di động thông minh. Chàng sinh viên cũng là thành viên tích cực chăm sóc các giống cây thuốc, cải tạo vườn thuốc Nam trở thành nơi bảo tồn các giống thuốc quý của trường.

Nguyễn Văn Thuận Nguyễn Văn Thuận quét mã QR trong bảng tên cây thuốc Nam.

Bảo tồn thuốc quý bằng công nghệ

Ngoài những giờ học trên giảng đường, bạn bè muốn tìm Nguyễn Văn Thuận thì đến vườn thuốc Nam của Trường Đại học An Giang là sẽ gặp được cậu sinh viên nhiệt tình, thân thiện này. Thuận gắn bó với khu vườn thuốc Nam từ những ngày đầu bước chân vào đại học, đến nay đã gần 2 năm và trở thành Phó Chủ nhiệm CLB Vườn thuốc Nam của trường.

Học ngành Bảo vệ thực vật, nhưng khi mới tìm hiểu về cây thuốc Nam, Thuận cũng như nhiều bạn bè đều cảm thấy lạ lẫm. Nhiều loại cây thuốc trong vườn đã đánh bảng tên nhưng bạn trẻ cũng không nhớ nổi, chứ chưa nói tới công dụng. Thuận nhớ lại “Ban đầu, mình rất ít quan tâm đến cây dược liệu, không biết đó là bài thuốc gì. Nhiều bạn ra vườn còn nhìn lầm là cây cỏ nên đã nhổ bỏ đi. Nhưng khi tìm đọc cuốn “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của Giáo sư Võ Văn Chi, mình đã biết thêm một số loại cây thuốc quý trong vườn”.

Từ đó, chàng sinh viên trở thành thành viên tích cực chăm sóc các giống cây thuốc, cải tạo vườn thuốc Nam để trở thành nơi bảo tồn các giống thuốc quý. Cũng trong những giờ thực hành, Nguyễn Văn Thuận đã ấp ủ ý tưởng triển khai dự án tạo dựng hệ thống dữ liệu số về các loại cây thuốc Nam, dùng mã vuông xác thực (QR Code) bên cạnh bảng tên cây thuốc Nam để tra cứu bằng điện thoại di động thông minh.

Ấp ủ từ mùa hè năm 2018, đến nay, dự án Quét mã QR thay thế bảng tên cây thuốc Nam của Nguyễn Văn Thuận đã dần trở thành hiện thực, với những bảng mã được đặt trong Vườn thuốc Nam Đại học An Giang. Mỗi cây dược liệu, các bạn đều in một bảng quét mã QR để mọi người có thể tra cứu thông tin về tên gọi, thành phần hóa học, vùng phân bố, các bài thuốc, hình ảnh về toàn cảnh của cây thuốc…

Bạn Huỳnh Thị Yến Thu, sinh viên của Trường chia sẻ: Công nghệ sẽ kích thích sự tò mò của các bạn trẻ, giúp cho các bạn sinh viên tra cứu dễ dàng hơn. Từ những kiến thức cơ bản ấy, các thành viên trong CLB Vườn thuốc Nam đã có kiến thức, tự lên núi sưu tầm mấy cây thuốc quý mang về trồng trong vườn, làm hướng dẫn viên giới thiệu cho khách thăm quan về những công dụng từ dược liệu vườn nhà.

Mơ ước được đóng góp cho cộng đồng

Cùng niềm đam mê chăm sóc vườn cây thuốc Nam, Nguyễn Văn Thuận còn nỗ lực hoàn thiện máy sấy dược liệu bằng năng lượng mặt trời, giúp người dân nghèo quê hương Thuận bảo quản tốt nguồn thuốc quý.

Để sáng chế ra loại máy sấy dược liệu, Nguyễn Văn Thuận đã chủ động lên internet tìm kiếm ý tưởng, sau đó mày mò thiết kế thành công máy sấy năng lượng mặt trời.

Đã từng chia sẻ về ý tưởng này tại các diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp, diễn đàn môi trường, Nguyễn Văn Thuận nhận thấy, đây là nhu cầu lớn không chỉ để bảo quản dược liệu mà ngay cả nông sản, nhất là trong mùa mưa bão ở miền Nam hay khi nồm ẩm ở miền Bắc. Đến nay, khó khăn lớn nhất của Nguyễn Văn Thuận là hiện thực hóa thiết bị, bởi với một sinh viên còn đi học, Thuận khó có thể có ngay nguồn kinh phí để lắp ráp máy móc, nhất là những thiết bị như pin năng lượng mặt trời tốn cả triệu đồng khi mua mới.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thuận sẵn sàng chia sẻ ý tưởng này với những người quan tâm tới năng lượng bền vững để có thể đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường và lan tỏa tới cộng đồng những tri thức dân gian, trách nhiệm xã hội của những bạn trẻ.

MINH KHUÊ

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.